Khi khác biệt là đặc biệt

Nếu gặp Lynn thì bạn sẽ không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng cậu ấy hơi… khác biệt.
Trước hết, cậu ấy luôn nhìn thẳng vào mắt bạn – rất chăm chú – khi bạn nói chuyện với cậu ấy. Thứ hai, cậu ấy bắt tay rất mạnh. Mà đó không phải là cái bắt tay xã giao lạnh nhạt theo kiểu đây là tay tôi bạn hãy nắm lấy nếu cần phải làm thế. Không đâu. Khi Lynn bắt tay bạn, cậu ấy làm việc đó với cả trái tim và tâm hồn. Tay bạn sẽ bị siết rất chặt và cánh tay bạn sẽ bị cậu ấy lắc liên hồi đến mức bạn sẽ bắt đầu hiểu ngày xưa người ta phải bơm nước bằng tay thì mỏi đến thế nào.
Rồi đến việc vỗ đầu. Đây là đoạn mà một số người bắt đầu cảm thấy khó chịu nếu họ gặp Lynn lần đầu tiên. Lynn có thói quen vỗ lên đầu những người mà cậu ấy quý, đặc biệt là những người đối xử tốt với cậu ấy trên xe bus. Chỉ có điều, đó không thực sự là một cái xoa đầu hay vỗ nhẹ như vỗ vai đâu. Mà cậu ấy sẽ đặt tay lên đầu bạn, vỗ vài cái và bóp một cái – như kiểu bạn thử quả dưa lưới xem nó chín chưa ấy.
– Đó là cách mà tớ nói với mọi người rằng tớ quý họ – Một lần Lynn bảo tôi trên xe bus – Tớ vỗ đầu họ. Như thế rất hay. Họ cũng có thể vỗ đầu tớ nếu họ muốn.
Vấn đề là, hầu hết chúng ta không quen với việc bị lắc cánh tay, bị vỗ hay bóp đầu – đặc biệt là bởi một người mà chúng ta chỉ vừa gặp trên xe bus – người cứ nhìn chăm chăm vào mắt chúng ta và có vẻ như chỉ chực… hôn chúng ta vậy.
Cho nên Lynn gặp phải rất nhiều sự từ chối. Vừa mới hôm trước, cậu ấy kể rằng cậu ấy cố kết bạn với một gia đình ở công viên nước. Bọn trẻ con thì dễ chịu, nhưng ông bố hơi căng thẳng. Cuối cùng, khi Lynn tiến đến giai đoạn “vỗ đầu”, thì ông bố không chịu được nữa.
– Có chuyện gì với cậu vậy, cậu bị hâm hay là làm sao? – Ông ấy quát Lynn – Tránh ra! Để chúng tôi yên!
Thực tế là Lynn không phải bị hâm. Không thực sự như vậy. Não cậu ấy bị ảnh hưởng một chút vì mẹ cậu ấy sinh khó, và cậu ấy không bao giờ nhanh nhẹn được như người bình thường. Cậu ấy đã 26 tuổi rồi, nhưng hành động chỉ như đứa trẻ 9-10 tuổi thôi. Cậu ấy luôn gọn gàng và sạch sẽ (còn hơn cả tôi), và trong suốt một thời gian dài, cậu ấy làm công việc rửa bát ở viện nhi địa phương.
Lynn biết rằng cậu ấy khác biệt (thực ra, cậu ấy thích dùng từ “đặc biệt”). Cậu ấy biết những “hạn chế” của mình. Nhưng theo cậu ấy thì “khác biệt” chẳng có gì là sai cả. Thực tế, cậu ấy thấy thật thú vị khi những người khác quá khác mình, và cậu ấy thích sự khác biệt đó. Đó là lý do tại sao cậu ấy ngạc nhiên trước cách một số người phản ứng với mình. Có lần, khi chúng tôi cùng đi bộ từ bến xe bus về nhà tôi ăn tối, cậu ấy hỏi:
– Tại sao nhiều người lại sợ tớ?
Tôi bắt đầu nói với Lynn rằng ngoài xã hội là một thế giới có nhiều điều đáng sợ, và một số người thường lo lắng ngay khi gặp một người lạ nhưng lại vồn vã quá mức. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng mình đang nói chuyện với một người mãi mãi nhìn cuộc sống qua đôi mắt của một đứa trẻ 10 tuổi. Cậu ấy biết tất cả mọi điều về lo lắng, bởi vì cậu ấy cũng phải đối diện với thế giới đáng sợ đó mỗi ngày – một mình. Vậy tôi có thể nói gì với cậu ấy về sự sợ hãi đây?
Nên tôi bắt đầu nói về việc một số người không cảm thấy thoải mái khi người khác chạm vào họ, đặc biệt là bởi những người mà họ không thân thiết. Nhưng rồi tôi nhìn Lynn và thấy một người chẳng có được các mối quan hệ xã hội để hiểu thế nào là thân thiết. Cậu ấy cũng không biết về sự riêng tư. Cậu ấy chỉ rất thiếu thốn tình cảm, đến mức mà đối với cậu ấy thì một cái vỗ lên đầu cũng trở thành một tuyên ngôn về sự yêu thương và chấp nhận. Làm sao cậu ấy hiểu được các mối quan hệ xã hội phức tạp?
– Thực ra thì mọi người không sợ cậu – Cuối cùng tôi nói – Họ chỉ…
Tôi không tìm được đúng từ – cho đến khi Lynn giúp tôi. Cậu ấy khoác vào cánh tay tôi, dựa đầu vào vai tôi như một đứa trẻ, và kết luận:
– Một số người chỉ không hiểu thôi.
– Đúng rồi, Lynn – Tôi nói, vỗ nhẹ lên đầu cậu ấy – Một số người chỉ không hiểu thôi.
Không hiểu về sự khác biệt. Về sự đặc biệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *