Nếu là người dưng thì tôi không có gì để nói, đằng này những người khó tính nhất trên đời lại là những người thân của tôi. Họ luôn áp đặt tôi vào một lối sống khuôn khổ. Bất cứ chuyện gì của tôi cũng bị góp ý phê bình.
Tuần trước, nhận được thư của ông ngoại, tưởng ông ngoại hỏi thăm chuyện gì, ai dè trong thư ông ngoại toàn phàn nàn tôi về chuyện cuối tháng trước tôi về quê giỗ bà ngoại mà không chào hỏi ai. Thật ra lúc bước vào nhà ngoại , tôi đã có nở một nụ cười xinh xắn và có nói một tiếng: “Ngoại” thật trìu mến, chỉ tại ông ngoại già rồi, lãng tai nên không nghe tiếng của tôi thôi. Còn các cậu, dì thì đã quen thuộc quá rồi, tôi nghĩ cần gì phải chào hỏi khách sáo! Chuyện chỉ có vậy thôi mà ngoại cũng viết thư trách móc.
Tôi có một chất giọng rất tốt, vừa lớn vừa thanh. Vả lại tôi “hơi bị” nói nhiều (con gái mà lị!) Vì vậy mỗi khi tôi cất tiếng là… oang oang cả nhà. Ông anh của tôi tuổi chưa già mà tính tình thì già trước tuổi. Mỗi khi tôi đang nói ngon trớn là ổng cắt ngang : “Mày làm ơn giảm cái miệng hifi của mày lại !”, “Mày bớt nói một chút không ai nói mày câm! ” hoặc thuyết moral: “Con gái lớn rồi, cần phải nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn. Vừa lớn tiếng vừa hung dữ, không khéo bị người ta bảo là “bà chằng” hoặc “cái ống bô xe lam” thì xấu hổ lắm”. Tôi không ngờ ông anh của tôi lại khó tính đến như vậy, đúng là “ông cụ non”. Thật ra “lớn tiếng” cũng tốt thôi, ra đường không sợ ai ăn hiếp, có tranh luận chuyện gì hoặc… cãi lộn cũng nắm chắc phần thắng.
Mẹ tôi cũng khó tính dữ lắm. Sáng chủ nhật, khi tôi vừa định đến điểm hẹn với tụi bạn để đi chơi, mới bước đến cửa, mẹ tôi đã gọi giật ngược : “Con vào thay ngay cái áo đó. Con gái mới lớn mà ra đường mặc cái áo ngắn ngủn hở lưng hở bụng, ai coi ? Còn cái môi đỏ chót nữa, chùi ngay !”. Tôi buộc lòng phải nghe theo lời mẹ. Tại mẹ tôi không biết thời trang ấy mà, người ta chẳng phải đang có mô-đen mặc áo hở rốn đó sao!
Tôi muốn đi thật nhanh khỏi căn nhà đầy những người khó tính để đến với đám bạn trẻ trung dễ chịu. Nào ngờ, khi vừa gặp tôi, bọn nó đã hùa nhau lên án tôi vì tộị… xài “giờ dây thun” : hẹn 6 giờ mà 7 giờ mới đến. Thời nay người ta cũng toàn sử dụng “giờ dây thun” đó, muốn hẹn 6 giờ thì phải nói là…. 5 giờ mới phải. Lỗi là ở tụi nó, vậy mà còn cằn nhằn với tôi. Vả lại, dù tôi có đến trễ thì cũng chỉ mới trễ có…. một giờ đồng hồ thôi mà, làm gì khắt khe quá vậy. Ðúng là những người khó tính!