Trái Đất và Trái Nước

Có lần, một bạn học sinh hỏi tôi rằng: Trái Đất ba phần tư là nước, sao không gọi là Trái Nước mà gọi là Trái Đất?
Câu trả lời rất có thể là vì con người lấy không gian sống của mình để định vị, và họgọi tên theo thể hoán dụ. Con người thân thiện với đất hơn là với nước. Đơn bào, đa bào…Có thể hàng triệu triệu năm trước, conngười đi ra từ nước. Nhưng khoảng thời gian quá lâu đủ để họ xa lạ với cái nôi của mình. Nước sâu thăm thẳm, đại dương bao la tiềm ẩn bao bất trắc. Nào là ma tà, thuỷ quái, tam giác quỷ, tàu ma, sóng thần… Kể từ đó, họ đã thân thiện với Sơn Tinh hơn là Thuỷ Tinh.
“Giọt lệ giữa không trung” – là Trái Đất – đã thực sự là nước mắt khi một con sóng thần đã tàn phá Nam Á và Đông Nam Á trong ngày Chủ nhật định mệnh vừa qua, cướp đi sinh mạng của gần 90.000 người. Đó chưa phải là con số cuối cùng. Những ngôi làng chài nghèo từ bao đời của những nước nghèo, trong phút chốc hoang tàn. Những người mẹ trong phút chốc mất con, tiếng kêu lạc giọng. Những ngôi nhà đổ nát, những xác người. Ôi, những xác người đã qua kiếp người, đã tạm biệt cuộc sống hiềnhoà, lương thiện. Những em bé. Có những em bé, chết rồi mà cánh tay vẫn vươn lên, không thể hạ xuống được. Có thể đó là động tác cuối cùng vươn tay gọi mẹ trong nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng.
Vậy là đã có trái nước, trong một nghĩa nào đó! Gió có trái gió, và nước có trái nước. Khốc liệt, bạo tàn. Đất nước mình nằm xoài trên bờ biển. Nhiều bão lũ. Và rất nhiều những người đàn ông ra biển không về. Cho nên chúng mình hiểu được nỗi đau thiên tai. Hôm nay chúng mình cùng chia sẻ nỗi đau với thế giới, cũng như thế giới cũng đã từng bao lần cùng dân mình chia bất hạnh.
Mặt Trăng, Mặt Trời, Sao Hoả, Sao Kim… Chỉ có Địa Cầu được gọi là Trái Đất. Trái chín, trái rụng, trái là phải lửng lơ giữa không gian. Mong manh làm sao! Tôi đã từng khuyên em phải viết hoa cả hai chữ Trái Đất. Đâu phải bởi chỉ vì đó là luật chính tả cho danh từ riêng, là độc nhất vô nhị. Mà còn vì lòng trân trọng thiêng liêng trước sự mong manh này.
Rồi sẽ hàn gắn nỗi đau và rút cho mình những suy ngẫm. Suy ngẫm đầu tiên là trận động đất này có thể báo động kịp nếu thông tin có thể chia sẻ. Thông tin đã không được chia sẻ vì không đủ thiết bị lắp đặt hệ thống cảnh báo, các nước không đủ khả năng tài chính để tham gia dịch vụ thuê bao chia sẻ thông tin. Indo, Sri Lanka, ấn Độ, Bangladesh, Somalia…Người nghèo bao giờ cũng ở trong nhóm có nguy cơ cao. Nước nghèo cũng vậy?
Tự nhiên này còn biết bao điều chúng ta chưa hiểu hết, hiểm hoạ vẫn còn rình rập. Vậy thì thế giới này hãy tiếp tục tập trung cho sự khám phá, hiểu biết tự nhiên, để conngười luôn được dự báo nhiều nhất có thể.
Mất mát, khổ đau. Thêm một lần nữa để conngười biết e ngại trước mẹ thiên nhiên. Để trong khả năng của mình có thể, trong một phạm vi khác, con người có trách nhiệm hơn trong môi trường sống của mình, để xã hội này phát triển bền vững như ước vọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *