Với ảnh hưởng của giáo hội Công giáo trong suốt lịch sử, không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành viên liên quan như tu sĩ hay giáo hoàng có sự ảnh hưởng đáng … xem thêm…kể đến thế giới. Không chỉ thông qua thần học mà còn cả khoa học và triết học. Sau đây, Blogthoca.edu.vn sẽ giới thiệu đến bạn các nhân vật đã có những khám phá quan trọng hoặc làm thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, vươn lên cao trong các lĩnh vực.
Thánh Ignatius của Loyola
Thánh Ignatius của Loyola tự hào là người đứng đầu danh sách, vì ông chính là người sáng lập nên Dòng Tên. Kể từ khi được thành lập, dòng linh mục giáo dục này đã được ghi nhận là “có đóng góp quan trọng nhất cho vật lý thực nghiệm của thế kỷ XVII”. Họ cũng đóng góp vào sự phát triển của đồng hồ quả lắc, máy đo tốc độ, phong vũ biểu, kính thiên văn phản xạ và kính hiển vi; cho đến các lĩnh vực khoa học đa dạng như từ tính, quang học cùng điện học. Họ đưa ra giả thuyết về sự tuần hoàn của máu, khả năng lý thuyết của chuyến bay, cách mặt trăng tác động đến thủy triều và bản chất dạng sóng của ánh sáng. Ngoài ra, sự đóng góp của họ cho việc nghiên cứu động đất đã được địa chấn học gọi là “khoa học của Dòng Tên”. Dù vậy, ban đầu Thánh Ignatius thành lập nên dòng tu là dành cho công việc giảng dạy cũng như truyền bá giáo lý Công giáo, một sứ mệnh mà họ vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay.
Ông sinh năm 1491, là một trong 13 người con của gia đình tiểu quý tộc tại miền bắc Tây Ban Nha. Khi còn trẻ, Ignatius đã nung nấu lý tưởng về tình yêu cùng tinh thần hiệp sĩ. Từ một người lính xứ Basque, ông đã trở thành linh mục và nhà thần học Công giáo, sau khi một trải nghiệm thần bí thuyết phục ông rằng ông được kêu gọi phục vụ Chúa Kito.
Vào năm 1521, Ignatius bị thương nặng tại trận chiến với quân Pháp. Trong khi hồi phục, ông trải qua một cuộc hoán cải. Đọc tiểu sử Chúa Jesus và các vị Thánh khiến ông vui mừng, khơi dậy ước muốn làm những điều lớn lao. Ignatius nhận ra rằng cảm xúc này là sự soi sáng, hướng dẫn của Thiên Chúa dành cho mình. Qua nhiều năm, ông trở thành chuyên gia trong nghệ thuật linh hướng. Cùng với một nhóm bạn bè, Ignatius thành lập nên Dòng Tên để bảo vệ giáo hội, đồng thời là truyền bá thông điệp của giáo hội. Được Đức Giáo Hoàng Paul III phê chuẩn vào năm 1540, ông đã trở thành bề trên tổng quyền đầu tiên (lãnh đạo chính thức) của Dòng Tên.
Ignatius qua đời năm 1556 và được phong Thánh năm 1622, trở thành Thánh Ignatius của Loyola. Vào thời điểm đó, tên tuổi của ông đã trở nên nổi tiếng giống như những anh hùng hiệp sĩ mà ông từng ngưỡng mộ thời trẻ. Các trường học, cao đẳng, đại học cùng chủng viện trên khắp thế giới tiếp tục vinh danh ông; nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong việc thúc đẩy cũng như bảo vệ tầm nhìn Công giáo về Kito giáo.
Linh mục Georges Lemaitre
Cha đẻ của Lý Thuyết Vụ Nổ Lớn – linh mục Georges Lemaitre, là người đầu tiên đề xuất khái niệm vũ trụ đang giãn nở. Những nghiên cứu của ông trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý đã khiến ông trở thành người đầu tiên rút ra được cái mà ngày nay chúng ta gọi là “định luật Hubble” và “hằng số Hubble”. Lemaitre gọi Lý Thuyết Vụ Nổ Lớn của ông là “giả thuyết về nguyên tử nguyên thủy”.
Không cần phải đi sâu vào chi tiết về tầm ảnh hưởng của vị linh mục này, vì hầu như tất cả mọi người trong lĩnh vực khoa học đều tin tưởng vào lý thuyết của ông. Lemaitre cũng là một trong số những nhà khoa học đầu tiên áp dụng việc sử dụng máy tính để nghiên cứu vũ trụ học, và ông đã giúp tạo ra thuật toán biến đổi phạm vi nhanh.
Linh mục Georges Lemaitre sinh ngày 17 tháng 7 năm 1894 ở Charleroi. Ông là một giáo sĩ Công giáo, nhà thiên văn học và vật lý học người Bỉ. Khi còn trẻ, Lemaitre bị thu hút bởi cả khoa học cùng thần học, nhưng Thế Chiến Thứ Nhất đã làm gián đoạn việc học của ông. Ông từng là sĩ quan pháo binh và chứng kiến vụ tấn công bằng khí độc đầu tiên trong lịch sử. Sau chiến tranh, Lemaitre nghiên cứu vật lý lý thuyết và được phong chức tu viện trưởng vào năm 1923. Ông cũng theo đuổi nghiên cứu khoa học của mình với nhà thiên văn học nổi tiếng người Anh, Arthur Eddington. Linh mục Lemaitre tiếp tục bằng việc đi tới Hoa Kỳ – nơi ông đến thăm hầu hết các trung tâm nghiên cứu thiên văn lớn. Sau đó, nhận bằng tiến sĩ về vật lý từ Viện Công Nghệ Massachusetts.
Năm 1925, ở tuổi 31, Lemaitre nhận chức giáo sư tại đại học Công giáo Louvain. Đây là một vị trí mà ông đã giữ trong suốt Thế Chiến Thứ Hai. Ông là một giáo viên tận tâm và thích làm việc cùng học sinh. Giả thuyết “nguyên tử nguyên thủy” nhằm giải thích nguồn gốc vũ trụ của ông, tạo thành cơ sở cho lý thuyết về “vụ nổ lớn”. Ý tưởng đáng kinh ngạc này lần đầu tiên xuất hiện dưới dạng khoa học vào năm 1931, trong một bài báo của chính vị linh mục này. Lý thuyết đó được hầu hết các nhà thiên văn học ngày nay chấp nhận, là một sự khởi đầu triệt để khỏi quan điểm khoa học chính thống vào những năm 1930. Vì nhiều nhà thiên văn học vào thời điểm trước đó cho rằng việc toàn bộ vũ trụ thiên hà có thể quan sát được bắt đầu bằng một tiếng nổ có vẻ phi lý. Họ vẫn không thoải mái với ý tưởng cho rằng vũ trụ đang giãn nở.
Bên cạnh khoa học, mối quan tâm về tôn giáo của Lemaitre vẫn quan trọng đối với cuộc đời ông. Vì vậy, ông giữ chức chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Giáo Hoàng từ năm 1960 cho đến khi qua đời vào năm 1966.
Ngày 26 tháng 10 năm 2018, một cuộc bỏ phiếu điện tử giữa tất cả các thành viên của Liên Minh Thiên Văn Quốc Tế đã diễn ra. Với số phiếu là 78% đề xuất đổi tên định luật Hubble gắn với tên ông, để trở thành định luật Hubble–Lemaitre.
Thánh Thomas Aquinas
Thánh Thomas Aquinas là một tu sĩ giản dị, chấp nhận rời gia đình giàu có, quyền quý của mình để gia nhập dòng tu Dominican vào thế kỷ XIII. Người đàn ông trầm lặng này đã vươn lên cao trong lĩnh vực triết học và thần học đến mức tên tuổi của ông sẽ không bao giờ bị lãng quên. Ảnh hưởng của Aquinas lớn đến mức ông đã thay đổi hoàn toàn lối tư duy triết học, mở đường cho các triết gia hiện đại trong thời kỳ khai sáng. Triết lý của ông cũng ảnh hưởng đến khoa học tự nhiên, bao gồm cả y học. Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng này còn được cảm nhận trong giáo hội Công giáo La Mã, vì tác phẩm mang tên “Tổng Luận Thần Học” của ông vẫn là nền tảng cho hầu hết các nghiên cứu tại chủng viện – nó giúp định hình suy nghĩ của các linh mục tương lai khác, những người đã và sẽ ảnh hưởng đến thế giới khoa học.
Thánh Thomas Aquinas sinh vào khoảng giữa năm 1224 tại Roccasecca-Ý. Gia đình ông thuộc một dòng tộc bá tước lâu đời, sở hữu một toà lâu đài trong hơn một thế kỷ. Ở những năm đầu đời, Aquinas sống và học tập tại tu viện Benedictine ở Monte Cassino, do chính Thánh Benedict thành Nursia thành lập vào thế kỷ thứ VI. Tiếp đến, ông theo học tại đại học Naples và bắt đầu nghiên cứu thần học tại ngôi trường này vào mùa thu năm 1239. Chính trong quá trình đó, Aquinas đã được khuyến khích gia nhập một dòng tu mới. Nơi đây được gọi là dòng Dominican – theo tên của người sáng lập ra nó là Thánh Dominic của Guzman (1170 -1221).
Nhận thấy tài năng của ông từ rất sớm, nhà dòng đã gửi Aquinas đến học tại đại học Paris trong ba năm. Ở tuổi 32, ông đã được giảng dạy tại ngôi trường này với tư cách là thạc sĩ thần học. Sau đó, dòng Dominican đã chuyển Aquinas quay trở lại Ý – nơi ông giảng dạy ở Naples, Orvietto và Rome (từ năm 1259 đến năm 1268). Chính trong thời gian này, ông bắt đầu viết cuốn Tổng Luận Thần Học của mình. Khi soạn luận thuyết về các bí tích cho cuốn sách này vào tháng 12 năm 1273, Aquinas được kêu gọi làm cố vấn thần học tại công đồng thứ hai của Lyon. Tuy nhiên, ông đã qua đời tại Fossanova-Ý, vào ngày 7 tháng 3 năm 1274, khi đang trên đường đến công đồng.
Được phong Thánh năm 1323, Thánh Thomas Aquinas sau đó được Đức Giáo Hoàng Pio V tôn phong là tiến sĩ giáo hội vào năm 1567. Thông qua những bài viết dày dặn, sâu sắc và có lập luận chặt chẽ. Cho đến ngày nay, vị Thánh này vẫn tiếp tục thu hút nhiều môn đệ trí thức, không chỉ trong số những người Công giáo, mà cả những người theo đạo Tin lành, cũng như những người không theo Thiên Chúa giáo.
Nicolaus Copernicus
Nicolaus Copernicus sinh ngày 19 tháng 2 năm 1473. Ông là một nhà thông thái thời phục hưng, hoạt động với tư cách là nhà toán học, nhà thiên văn học và là giáo sĩ Công giáo. Có một số nghi ngờ về việc liệu cuối cùng Nicolaus có trở thành linh mục hay không, vì người ta chỉ có bằng chứng cho thấy rằng ông đã nhận các chức vụ nhỏ (như tư tế). Nhưng danh tiếng của ông và khả năng cuối cùng ông đã được thụ phong – khiến Nicolaus trở thành một trong những người đứng trong danh sách này.
Vào những năm 1500, Nicolaus Copernicus là người đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ mà đúng hơn là nó cùng với các thiên thể khác quay quanh mặt trời. Mặc dù mô hình của Nicolaus không hoàn toàn chính xác, nhưng đã tạo nền tảng vững chắc cho các nhà khoa học tương lai; chẳng hạn như Galileo – người xây dựng và nâng cao hiểu biết của nhân loại về chuyển động của các thiên thể. Ông đã châm ngòi cho cuộc cách mạng Copernicus “đề cập đến sự chuyển đổi Ptolemaic về bầu trời, vốn xem trái đất ở trung tâm thiên hà, hướng tới mô hình nhật tâm với mặt trời ở trung tâm hệ mặt trời của chúng ta”. Đó là một trong những điểm khởi đầu của cuộc cách mạng khoa học thế kỷ XVI.
Vì cha của Nicolaus đã qua đời khi ông còn là một đứa trẻ. Thế nên, chú của ông đã trở thành người thay thế vị trí người cha trong cuộc đời ông. Người chú này mong muốn Nicolaus trở thành một giáo sĩ trong giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, khi đến thăm một số học viện, ông lại dành thời gian để nghiên cứu toán học và thiên văn học nhiều hơn. Khi theo học tại đại học Bologna, Nicolaus đã sống và làm việc với giáo sư thiên văn học Domenico Maria de Novara – người cùng ông nghiên cứu, cũng như giúp ông quan sát bầu trời. Dù vậy, do ảnh hưởng bởi chú mình, Nicolaus đã trở thành giáo sĩ ở Warmia, miền bắc Ba Lan. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thể trở thành linh mục.
Nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus qua đời ngày 24 tháng 5 năm 1543 vì một cơn đột quỵ, ông ra đi ở tuổi 70. Vào năm 2010, hài cốt của ông đã được một số giáo sĩ Công giáo cấp cao tại Ba Lan làm phép bằng nước Thánh trước khi cải táng. Ngôi mộ được đánh dấu bởi một tấm bia bằng đá Granit đen, trang trí mô hình hệ mặt trời. Đây được xem là biểu tượng cho sự đóng góp khoa học, cùng sự phục vụ của Nicolaus Copernicus với tư cách là giáo sĩ của nhà thờ.
Giáo hoàng Gregory XIII
Giáo hoàng Gregory XIII, sinh ngày 7 tháng 1 năm 1502. Tên khai sinh của ông là Ugo Boncompagni. Vị giáo hoàng này là người đứng đầu giáo hội Công giáo và là người cai trị các lãnh thổ giáo hoàng từ ngày 13 tháng 5 năm 1572 cho đến khi ông qua đời vào năm 1585. Giáo hoàng Gregory XIII nổi tiếng với việc vận hành và được đặt tên cho lịch Gregory (lịch dương) – loại lịch dân sự đã trở thành lịch tiêu chuẩn của Châu Âu và phần lớn thế giới, được quốc tế chấp nhận cho đến ngày nay.
Giáo hoàng Gregory XIII đã có nhiều đóng góp cho đời sống của giáo hội Công giáo, bao gồm: thành phố Rome, giáo dục, nghệ thuật và ngoại giao. Trước khi lên làm người lãnh đạo, ông từng có một sự nghiệp nổi bật trong ngành luật ở Bologna – nơi ông nhận bằng tiến sĩ về cả luật dân sự cùng giáo luật. Ông cũng dạy luật học, là lý thuyết và triết học về luật.
Ảnh hưởng trí tuệ của giáo hoàng Gregory XIII giúp ông trở thành một nhân vật đáng tin cậy trong giới luật pháp và ngoại giao, ngay cả trước lúc ông được bầu làm giáo hoàng trong mật nghị năm 1572. Khi được bầu chọn, ông lấy tên là Gregory, để vinh danh giáo hoàng Gregory I sống ở thế kỷ thứ VI trước đây.
Các sáng kiến của ông – bao gồm việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như cổng, cầu và đài phun nước – là một phần trong tầm nhìn rộng hơn, nhằm nhấn mạnh tính trung tâm của luật pháp trong lịch sử cũng như văn hóa của Rome. Điều này được chứng minh bằng việc Gregory XIII được vinh danh bởi một bức tượng ở Aula Consiliare, của cung điện thượng nghị sĩ. Bên cạnh các sáng kiến quy hoạch đô thị của mình, việc đưa vào sử dụng các tác phẩm nghệ thuật và dự án kiến trúc, còn thể hiện cam kết của ông trong việc thúc đẩy một thành phố không chỉ là trung tâm tinh thần của Công giáo, mà còn là ngọn hải đăng của văn hóa phục hưng. Tại hội trường Sala Regia ở thành phố Vatican, giáo hoàng Gregory XIII đã thực hiện một loạt bức bích họa thể hiện sự chiến thắng của Cơ đốc giáo trước kẻ thù của mình. Ông cũng ủy quyền cho toàn bộ phòng trưng bày bản đồ Cung Điện Tông Đồ, để chứng minh mức độ lan rộng của Cơ Đốc giáo trên toàn thế giới.
Ngoài ra, cuộc cải cách lịch Gregory đánh dấu một sự thay đổi to lớn trong việc tính toán thời gian. Ngày 4 tháng 10 năm 1582 được nối liền với ngày 15 tháng 10 – điều chỉnh sự phù hợp của lịch với thực tế thiên văn. Sự điều chỉnh này dần dần được các quốc gia theo đạo Tin Lành áp dụng, đã có tác động lâu dài đến cách đo thời gian của thế giới.
Tại Vương cung thánh đường Thánh Peter, thuộc thành phố Vatican, ta sẽ tìm thấy một tượng đài đáng chú ý của giáo hoàng Gregory XIII. Nó được hoàn thành vào năm 1723 bởi nhà điêu khắc người Milan Camillo Rusconi, kết hợp các biểu tượng của cả tôn giáo lẫn trí tuệ, được nhân cách hóa bởi hai bức tượng đứng cạnh giáo hoàng. Đây là sự tôn vinh xứng đáng dành cho một vị giáo hoàng có nhiệm kỳ đặc trưng bởi sự tương tác giữa đức tin, trí tuệ, cải cách; và hiện nay có thể được coi là nền tảng trong lịch sử châu Âu.
Thánh Albertus Magnus
Thánh Albertus Magnus được sinh ra vào khoảng năm 1200, tại thị trấn Lauingen của Bavaria. Ông là một tu sĩ, triết gia, nhà khoa học, giám mục; và đồng thời còn được mệnh danh là một trong 33 “tiến sĩ” của giáo hội Công giáo. Albertus đã viết các tác phẩm chuyên sâu về các chủ đề khác nhau như: logic, thần học, thực vật học, địa lý, thiên văn học, chiêm tinh học, khoáng vật học, hóa học, siêu hình học, khí tượng học, động vật học, sinh lý học, não tướng học và hơn thế nữa. Ông đã tạo ra các bản đồ cùng biểu đồ, thí nghiệm với thực vật, nghiên cứu các phản ứng hóa học, thiết kế các công cụ định hướng và nghiên cứu chi tiết về các loài chim cùng động vật. Vì vậy, Thánh Albertus Magnus được xem là một trong những triết gia và nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời trung cổ.
Năm 1223, ông gia nhập dòng truyền giáo Dominican và được gửi đến tu viện ở Cologne – nơi là quê hương của ông trong suốt sự nghiệp học thuật, viết văn, du lịch, cùng giảng dạy lâu dài. Khi còn là sinh viên tại đại học Paris, sau đó là giáo sư, Albertus đã tìm ra “cách học mới” dựa trên triết học, khoa học Hy Lạp và Ả Rập, làm dấy lên những tranh cãi chưa từng có ở các trung tâm học tập của Đức. Ông thực hiện một số dự án viết lách cho thấy mối quan hệ của những tác phẩm cổ xưa này với việc giảng dạy Cơ Đốc giáo.
Albertus đã phục vụ bốn năm với tư cách là giám tỉnh của các tu sĩ dòng Dominican nói tiếng Đức, bao gồm các chuyến viếng thăm hơn 56 tu viện; trong đó có một cơ sở truyền giáo xa xôi đến tận Riga (nay là thủ đô của Latvia). Ông luôn đi bộ, và thường dừng lại để nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, dành nhiều giờ trong thư viện của những nơi mà ông đến thăm, sao chép bất kỳ cuốn sách nào mới mẻ đối với bản thân. Khi danh tiếng của Albertus ngày càng vang xa, ông được kêu gọi hòa giải các tranh chấp thần học, tạo ra chương trình giảng dạy mới, tiến hành các hội nghị, bảo vệ việc học tập khoa học. Kỹ năng làm trọng tài và hòa giải của ông đã giúp giáo hoàng đảm nhận một số nhiệm vụ trong giáo hội cùng ngoại giao. Albertus được bổ nhiệm làm giám mục của Regensburg vào năm 1260 cho một giáo phận đang gặp khủng hoảng về tinh thần lẫn tài chính. Sau ba năm cải cách và khuyến khích, ông xin miễn nhiệm để quay lại với việc giảng dạy.
Bên cạnh việc bình luận về các tác phẩm khoa học cùng triết học của các nhà tư tưởng cổ điển, Albertus còn viết nhiều bài bình luận kinh Thánh và các tác phẩm thần học khác. Sự hiểu biết của ông về các văn bản triết học đa dạng đã cho phép ông xây dựng cuốn sách Tổng Luận Thần Học của mình. Đây là tiền đề rằng đức tin và lý trí là những nguồn kiến thức tương thích nhau, đã tạo cảm hứng cho tác phẩm chính của người học trò nổi tiếng nhất của Albertus, đồng thời cũng là người anh em thuộc dòng Dominican với ông – Thánh Thomas Aquinas.
Albertus Magnus qua đời vào ngày 15 tháng 11 năm 1280, được chôn cất tại Cologne. Năm 1931, ông được phong Thánh và tiến sĩ giáo hội. Tiếp theo, vào năm 1941, ông trở thành Thánh bảo trợ của khoa học tự nhiên. Sự vĩ đại của Albertus không chỉ nằm ở lòng trung thành của ông với tầm nhìn Kito giáo, mà còn nằm ở sự xuất sắc trong công việc học thuật cũng như ở bề rộng trí tuệ.
Giáo hoàng Urban II
Giáo hoàng Urban II sinh ra vào khoảng năm 1035. Ông là người đứng đầu giáo hội Công giáo và là người cai trị các lãnh thổ giáo hoàng từ năm năm 1088 cho đến khi qua đời. Urban II cũng là người đã phát động cuộc thập tự chinh nhằm giành quyền kiểm soát Thánh địa từ tay Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuộc thập tự chinh đầu tiên trong bảy cuộc thập tự chinh có ảnh hưởng đến lịch sử thời trung cổ. Ngày nay, người ta vẫn có thể cảm nhận được dự ảnh hưởng của nó trong tình trạng bất ổn đang diễn ra tại Trung Đông. Ngoài ra, giáo hoàng Urban II còn cải tổ ban lãnh đạo của giáo hội Công giáo bằng cách thiết lập nó theo mô hình triều đình. Cấu trúc này vẫn tồn tại cho đến bây giờ và tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người Công giáo, cũng như vị trí của giáo hội trong nền chính trị quốc tế. Tác động của ông đối với thế giới được coi là đủ quan trọng; do đó ông đã được giáo hoàng Leo XIII tuyên bố là “Chân Phước” (hay còn gọi là Á Thánh) vào năm 1881.
Urban II là một nhà chiến thuật tài giỏi, ông muốn đặt ngôi vị giáo hoàng vào trung tâm của thế giới Kito giáo thống nhất, đang bị bao vây bởi sự chia rẽ. Hai nửa phía Đông và phía Tây của giáo hội bị chia cắt, các hiệp sĩ đang chĩa kiếm chống lại nhau, thay vì chống lại kẻ thù chung. Bằng cách hướng sự thù địch vào nơi khác, với mục tiêu đánh chiếm lại Jerusalem và Đất Thánh khỏi sự kiểm soát của người Hồi giáo. Giáo hoàng Urban II đã sử dụng quyền lực tạm thời, kiểm soát quân đội Châu Âu để tiếp tục kế hoạch của mình vì một sự thống nhất. Đồng thời, ông tiến hành chiến dịch cải cách nội bộ nhằm làm cho giáo hội trở nên thiêng liêng hơn, đồng thời cải thiện các tiêu chuẩn về hành vi giáo sĩ. Urban II đã thành công trong việc nâng cao quyền lực giáo hoàng và thống nhất Châu Âu sau cuộc thập tự chinh của mình. Tuy nhiên, trong một thời gian dài hơn, những cuộc xung đột tôn vinh lý tưởng thập tự chinh đã làm tổn hại đến tuyên bố của Cơ Đốc giáo là tôn giáo hòa bình. Vì vậy, nó gây bất hoà vĩnh viễn cho mối quan hệ giữa Công giáo và Hồi giáo; không đặt nền tảng lâu dài để có thể xây dựng một Châu Âu thống nhất hơn. Khi các cuộc Thập Tự Chinh kết thúc trong thất bại, chiến tranh trên quê hương lại trở thành mối bận tâm của các hiệp sĩ.
Người ta vẫn còn tranh cãi về động cơ của giáo hoàng Urban II, nó được chứng minh bằng các bài phát biểu khác nhau được ghi lại. Một số nhà sử học tin rằng ông mong muốn sự thống nhất giữa các nhà thờ phía đông cùng phía tây, do một sự rạn nứt của cuộc Đại Ly Giáo năm 1054 gây ra. Những người khác lại cho rằng giáo hoàng Urban II coi đây là cơ hội để đạt được tính hợp pháp với tư cách là giáo hoàng; vì vào thời điểm đó ông đang cạnh tranh với giáo hoàng Clement III. Giả thuyết thứ ba thì cho rằng Urban II cảm thấy bị đe dọa bởi các cuộc xâm lược của người Hồi giáo vào Châu Âu. Thế nên, ông xem các cuộc Thập Tự Chinh là một cách để đoàn kết thế giới Cơ Đốc giáo thành một lực lượng phòng thủ thống nhất chống lại họ.
Trước khi tin tức về sự kiện Jerusalem thất thủ vào tay quân Thập Tự Chinh đến được Ý (29 tháng 7 năm 1099), thì giáo hoàng Urban II đã qua đời. Vì vậy, ông không thể biết được thông tin trước lúc ra đi. Người kế vị ông là giáo hoàng Paschal II, đã thành lập giáo triều La Mã thời hiện đại theo cách của một tòa án hoàng gia để giúp điều hành giáo hội.
Gregor Mendel
Gregor Mendel là một giáo viên, tu sĩ và nhà khoa học. Ông sinh năm 1822 tại ngôi làng nhỏ Heinzendorf bei Odrau, nay là Hyncice ở Cộng Hoà Séc. Công việc của vị linh mục này trong lĩnh vực di truyền học đã có tác động to lớn đến thế giới. Nhưng có lẽ đúng khi nói rằng nó vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, sự đóng góp của ông đối với khoa học rất quan trọng. Bởi vì Mendel là người đầu tiên đặt nền tảng toán học cho khoa học về di truyền học, trong cái được gọi là “chủ nghĩa Mendel”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn Silesia. Khả năng học tập của ông được công nhận bởi một linh mục địa phương – người đã thuyết phục cha mẹ gửi ông đi học ở tuổi 11. Việc học tại Gymnasium (trường ngữ pháp) của Mendel hoàn thành vào năm 1840. Sau đó, ông tham gia chương trình học hai năm tại Viện Triết Học của đại học Olmutz, thuộc Cộng Hoà Séc – nơi ông xuất sắc trong môn vật lý và toán học. Sau khi học xong đại học, Mendel gia nhập tu viện Thánh Thomas Augustine. Nơi đây còn là trung tâm văn hóa, trí tuệ; vì vậy ông được tiếp xúc với rất nhiều giáo lý cùng ý tưởng mới mà mình yêu thích.
Năm 1850, Mendel được gửi đến đại học Vienna trong hai năm để theo học một chương trình giảng dạy khoa học mới. Ông bắt đầu dành thời gian này cho vật lý và toán học, làm việc dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý người Áo – Christian Doppler và nhà vật lý toán học – Andreas von Ettinghausen. Mendel cũng nghiên cứu giải phẫu cùng sinh lý học của thực vật, cũng như việc sử dụng kính hiển vi dưới sự hướng dẫn của nhà thực vật học Franz Unger – một người đam mê lý thuyết tế bào.
Vào mùa hè năm 1853, ông trở lại tu viện. Và vào năm sau đó, ông lại được giao vị trí giảng dạy tại. Mendel đã ở lại đây cho đến khi được bầu làm linh mục chánh xứ vào 14 năm sau. Công việc khoa học của ông lúc bấy giờ phần lớn cũng đã kết thúc, do trách nhiệm với công việc tại tu viện quá lớn.
Nhà khoa học Gregor Mendel qua đời vào ngày 6 tháng 1 năm 1884, ở tuổi 61, do bệnh viêm thận mãn tính. Sau khi ông qua đời, linh mục kế vị đã đốt tất cả giấy tờ trong bộ sưu tập của Mendel để đánh dấu sự chấm dứt các tranh chấp về thuế với chính phủ. Việc khai quật thi thể ông vào năm 2021 đã tiết lộ một số chi tiết về ngoại hình như chiều cao cơ thể . Bộ gen của Mendel đã được phân tích và tiết lộ rằng ông là người dễ mắc các vấn đề về tim.
Giáo hội Công giáo có một truyền thống lâu đời và nổi bật, tạo nên nguồn đổi mới mạnh mẽ đối với thế giới. Các nhân vật được đề cập trên đã làm chứng cho điều đó. Mỗi người trong số họ đều có những đóng góp đáng kể cho xã hội cũng như cho giáo hội.