Xuân Diệu được Hoài Thanh ưu ái gọi là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Kết luận này được đúc kết qua những ý thơ dạt dào xúc cảm của Xuân Diệu về … xem thêm…cuộc đời, đặc biệt là về tình yêu. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu là khu vườn đủ mọi hương sắc, là khúc ca đủ mọi thanh âm, khiến vấn vương tâm hồn bạn đọc bao thế hệ. Lần này, Blogthoca.edu.vn xin mến thương gửi đến bạn những bài thơ hay nhất về tình yêu mà “ông hoàng thơ tình” đã sáng tác.
Xa cách
Lời bài thơ:
Có một bận em ngồi xa anh quá
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn
Em xích gần thêm một chút: anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: “em đây!”
Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.
Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em, anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất
Quá khứ anh, anh không nhắc cùng em.
Linh hồn ta u ẩn tựa ban đêm,
Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.
Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió
Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ
Cũng như em giấu những điều quá thực…
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
“Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!”.
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Thơ thơ (1938)
Đôi nét về bài thơ:
Xuân Diệu – “Ông hoàng thơ tình” với nhiều bài thơ nổi bật được người đọc yêu thích. Trong đó bài thơ Xa Cách, là một trong những bài thơ về tình yêu mang đến những hương vị, cảm xúc về tình yêu vô cùng mới mẻ và lạ lẫm. Từng câu, từng chữ trong bài thơ Xa cách của Xuân Diệu đưa người đọc đắm say trong men tình ái, lúc rạo rực, bồi hồi, lúc ngọt ngào chia xa.
Một nét đẹp trong thơ tình Xuân Diệu là sự trăn trở về sự gắn kết lâu dài của đôi trai gái, ông luôn sợ phải xa cách với người mình yêu. Trong quan niệm của mình, Xuân Diệu khát khao sự hòa quyện tuyệt đối. Ông không có niềm tin vào sự hữu hạn của một mối tình, dù cho đã gần ngay bên cạnh ông vẫn e ngại một ngày xa cách nhau.
Bài thơ Xa Cách thể hiện một tình yêu buồn, xa cách, nhớ nhung. Những vần thơ tình “mạnh bạo” rạo rực chất chứa tình yêu càng làm cho người đọc say sưa hơn và gần với hồn thơ Thi sĩ Xuân Diệu.
Tương tư chiều
Lời bài thơ:
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm;
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm.
Mà ánh sáng đều hoà cùng bóng tối.
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ
Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em!
Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm.
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi,
Thôi đã hết hờn ghen và giận tủi.
(Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!)
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều
Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!
Gió bao lần từng trận gió thương đi,
– Mà kỷ niệm, ôi, còn gọi ta chi…
Nỗi nhớ là một gia vị đặc trưng của tình yêu. Người ta viết nhiều về tình yêu và cũng từ đó mà nỗi nhớ hiển hiện đủ mọi cung bậc qua từng trang thi ca. Tiếp nhận phong trào Thơ mới, Xuân Diệu đã mạnh dạn thể hiện nỗi tương tư mãnh liệt của mình trong tác phẩm này.Từng câu thơ như tiếng lòng réo gọi, thiết tha mong chờ được gặp người thương. Với cách bộc lộ trực tiếp này đã đem phong cách thơ của ông trở nên khác biệt với những người cùng thời. Viết cùng đề tài này đã từng có một Nguyễn Bính mộc mạc, ngại ngùng nép sau bóng dáng thôn Đoài gửi nỗi niềm thương nhớ, từ cách so sánh này sự mạnh dạn của ”ông hoàng thơ tình” càng để lại ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc.
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Thơ thơ (1938)
Đôi nét về bài thơ:
Tương tư là “nhớ nhau” – theo cái nghĩa mộc mạc nhất của nó. Dẫu Tú Xương đã nói: “Tương tư lọ phải là trai gái” nhưng nỗi nhớ tình yêu mới thật sự mang theo đầy đủ ý nghĩa của tương tư. Và Xuân Diệu lại đem tới một ý nghĩa mới của tương tư trong lời yêu say đắm: không chỉ là nhớ em – nhớ tiếng, nhớ hình, nhớ ảnh, nhớ đôi môi, đôi mắt – mà khi được sống trong nỗi nhớ ấy, con người còn nhớ chính mình: “Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi”. Đó là lúc con người được sống trong phần người tốt đẹp nhất, với bao khát vọng sống mãnh liệt, tự tin ở chính mình, tin tưởng ở tình yêu, ở cuộc đời. Có lẽ bức thông điệp tình yêu trong Tương tư, chiều sẽ phần nào giúp người đọc hiểu hơn về Tình Yêu, hiểu hơn tấm lòng tha thiết với cuộc đời của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu.
Tình thứ nhất
Lời bài thơ:
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Đem cho em kèm với một lá thư
Em không lấy là tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ
Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo
Tình thì buồn như tất cả chia ly
Xếp khuôn giấy để hoài trong túi áo
Mãi trăm lần mới gấp lại đưa đi
Em xé như lòng non cùng giấy mới
Mây dần trôi hôm ấy phủ sơn khê
Thôi thôi nhé, hoa đã sầu dưới đất
Cười trên cành sao được nữa em ơi!
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Đem cho em là đã mất đi rồi!
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Gửi hương cho gió (1945)
Đôi nét về bài thơ:
Bài thơ Tình thứ nhất của Xuân Diệu là một bài thơ nổi tiếng trong tập Gửi hương cho gió, phản ánh nỗi buồn và tiếc nuối của tác giả về mối tình đầu không thành. Chủ đề của bài thơ là tình yêu thứ nhất, một tình yêu trong sáng, ngây thơ nhưng cũng đầy e dè và khổ đau. Tác giả đã trao tình yêu thứ nhất cho người con gái mà anh yêu, kèm với một lá thư tình, nhưng em không lấy và xé nát lá thư. Từ đó, anh đã mất đi tình yêu thứ nhất và không bao giờ lấy lại được.
Yêu
Lời bài thơ:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
– Yêu là chết ở trong lòng một ít
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt
Những người si theo dõi dấu chân yêu
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Khi đọc bài thơ của ông chúng ta thấy nhà thơ thật tinh tế khi phát hiện quy luật chi phối thế giới tinh thần vô cùng phong phú, phức tạp của con người: Yêu là hạnh phúc vô biên và yêu cũng là đau khổ tột cùng.
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Thơ thơ (1938)
Đôi nét về bài thơ:
Bài thơ Yêu của Xuân Diệu miêu tả những trạng thái khi yêu của con người. Bài thơ không chỉ là trải nghiệm của tác giả mà còn cả của những người đã, đang và sẽ yêu.
Dành hết tình cảm cho người mình yêu thương và cố gắng xây đắp cho tình cảm ấy, thậm chí hi sinh tất cả vì nó nhưng có lúc lại băn khoăn liệu người kia có thấu hiểu nỗi lòng ấy của mình, hay lại vô tình, hờ hững với sự chân thành của kẻ đang yêu. Dường như có chân thành, có tha thiết đến đâu thì không phải lúc nào cũng được đáp lại.
Tình yêu luôn là những cung bậc cảm xúc rất khó định hình, khó diễn tả. Tình yêu cho người ta cảm nhận rõ nhất những hỉ, nộ, ái, ố ở đời. Yêu là vui vẻ, đắm say, yêu là cả buồn đau, tủi hờn. Tình yêu cũng phải trải qua đắng, cay, mặn, ngọt mới đủ đầy. Do đó, không phải ai yêu nhau cũng đến được với nhau, không phải ai cũng có tình yêu hạnh phúc ngập tràn màu hồng. Nhưng dẫu sao để con tim có cơ hội trải nghiệm rất nhiều những cung bậc cảm xúc nói trên, đời sống tâm hồn của con người mới trở nên phong phú và trưởng thành, chín chắn hơn từng ngày.
Thơ Xuân Diệu cũng chính là tấm lòng của ông dành cho cuộc đời, dành cho tình yêu. Nỗi lòng ấy cứ thế mà theo mỗi vần thơ đi vào lòng người đọc. Thơ Xuân Diệu về tình yêu cũng vì vậy mà sống mãi cùng dòng thời gian, để mỗi thế hệ sẽ có một sự đồng cảm riêng dành cho Xuân Diệu…
Phải nói
Lời bài thơ:
Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ?
Anh tham lam, anh đòi hỏi quá nhiều,..
Anh biết rồi em đã nói em yêu;..
Sao vẫn muốn nhắc một lời đã cũ?
-Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ,
Nếu em yêu mà chỉ để trong lòng;
Không tỏ hay, yêu mến cũng là không.
Và sắc đẹp chỉ làm bằng cẩm thạch
Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích
Em biết không? Anh tìm kiếm em hoài
Sự thật ngày nay, không thạt đến ngày mai.
Thì ân ái có bao giờ lại cũ?
Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ
Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần
Phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân
Đem chim bướm thả trong vườn tình ái
Em phải nói, phải nói và phải nói
Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày
Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say
Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết
Bằng im lặng, bằng chi anh có biết
Cốt nhất là em chớ lạnh như đông.
Chớ thản nhiên bên một kẻ cháy lòng
Chớ yên ổn như mặt hồ nước ngủ
Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ.
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Thơ thơ (1938)
Đôi nét về bài thơ:
Xưa nay tình yêu nam nữ vốn luôn hiện hữu với rất nhiều cung bậc: Lãng mạn, mơ mộng, thiêng liêng, cao thượng, phàm tục, nhục thể, bi đát, đắm đuối, si mê, lỗi lầm… như một nhận thức tất yếu về đời sống, thơ Xuân Diệu cũng cắt nghĩa về tình yêu trên nhiều phương diện. Đối với thi sĩ yêu là nguồn sống. Thi sĩ nâng niu những cảm xúc tình yêu vừa hé nở như nâng niu những gì quý giá nhất nhưng mong manh, dễ vỡ, dễ tan. Thái độ sống tích cực ấy của Xuân Diệu cho thấy ông không chỉ rất có ý thức gìn giữ tình yêu mà còn tôn thờ tình yêu như một chân giá trị, một khát vọng mà cuộc đời hướng tới. Ông trân quý tình yêu như trân quý cuộc sống của chính mình, và tình yêu đẹp bao giờ cũng là mục đích để con người dấn thân và hy sinh mà không hề nuối tiếc.
Đứa con của tình yêu
Lời bài thơ:
Anh ước đôi ta có con
Con giống em đẹp nhìn không chán
Giống đôi mắt, giống hình gương trán
Con mang tình xán lạn đôi ta
Con giống em, con cũng giống cha
Giống cái mũi thật thà thẳng sống
Nhìn gần giống trông xa cũng giống
Cũng mái đầu dợn sóng Quy Nhơn
Nhưng con ta nó giống em hơn
Giống đi đứng, nghĩ suy, ăn nói
Duy chẳng giốngcái nư khi dỗi
Lúc em hờn, trời cũng phải thua
Muốn hoà kẽ tóc với chân tơ
Muốn thịt xương ta nở vạn mùa
Em hỡi! Đứa con tình ái ấy
“Tình yêu chưa đã, mến chưa bưa”
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đại
Đôi nét về bài thơ:
Thi phẩm này được sáng tác vào năm 1966, là kết tinh của một trái tim cháy lên ngọn lửa tình yêu. Xuân Diệu thèm yêu khát sống và cũng từ khát vọng nồng nhiệt ấy ông còn muốn có một chứng nhân tình ái. Quả thật, đọc thơ ông ta có thể cảm nhận được tất thảy những dư vị của tình yêu.
Đứng chờ em
Lời bài thơ:
Trong buổi chiều hôm bóng nhá nhem
Anh ra trước cổng đứng chờ em
Nhận từng vóc dáng từ xa tới
Lọc lấy một hình anh thuộc quen
Anh thấy ai ai cũng vội vàng
Như chim hôm thoi thót về rừng
Người đi xe đạp đăm chiêu lắm
Nghĩ bếp nhà đang lửa bập bùng.
Anh cũng chăm xong cái bếp nhà
Tâm thành cơm nước dọn bưng ra
Một tuần mong đến hôm nay tiếp
Vào bát cho em vị đậm đà
Nhưng bóng hoàng hôn đặc lại rồi
Hình em anh thuộc thế mà – ôi!
Mấy phen suýt nữa reo
“Em đến”Lại ủi an lòng:
“Hãy đợi thôi!”
Anh đứng như trồng, chẳng chịu đi
Nhớ nhung vun được đức kiên trì
Anh nhìn nét mặt người qua vội
Thông cảm muôn đời những biệt li
Nếu thức ăn kia gắp một mình
Tủi lòng, anh vẫn vững lòng tin.
Thương em vất vả, anh quên hết
Nỗi khổ mong chờ cháy dạ.
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiThời gian: 18-3-1976
Đôi nét về bài thơ:
Một cảnh tượng nên thơ được ghi dấu trên khung cảnh ý vị. Những lần chờ người thương như đẹp đẽ và tự nhiên hơn qua từng dòng suy tư của nhà thơ. Có lẽ, nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta đã góp phần hiện hữu hóa những khoảnh khắc duyên dáng của tình yêu qua từng câu, từng từ. Có bao giờ bạn đứng chờ người ta chưa? Có phải bạn cũng có những nỗi niềm như chàng trai ấy không?
Vội Vàng
Lời bài thơ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng.
Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi!
Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi!
Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Thơ thơ (1938)
Đôi nét về bài thơ:
Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng. Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt, nhưng đằng sau đó là cả một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thơ ca truyền thống. Bài thơ là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đó chưa từng có. Lối sống ở đây biết hưởng thụ một cách chính đáng, biết khẩn trương sống cho ra sống. Tuy nhiên ở Vội vàng, tác giả chỉ đề cập đến lối sống thiên về hưởng thụ chạy theo thời gian. Ông kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng, hãy tranh thủ thời gian, tuổi trẻ để sống đủ đầy nhất. Ông đã quên đi nghĩa vụ kêu mọi người phải cống hiến cho cuộc đời. Và trong cuộc đời nhà ông, ông vội vàng cống hiến chứ không phải vội vàng hưởng thụ.
Xuân không mùa
Lời bài thơ:
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêuThế là xuân.
Tôi không hỏi chi nhiều.
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
Xuân là lúc gió về không định trước.
Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược,
Mây bay đi để hở một khung trời
Thế là xuân.
Ngày chỉ ấm hơi hơi,
Như được nắm một bàn tay son trẻ…
Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé;
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa;
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.
Nếu lá úa trên cành bàng không rụng,
Mà hoa thưa ửng máu quá ngày thường;
Nếu vườn nào cây nhãn bỗng ra hương,
Là xuân đó.
Tôi đợi chờ chi nữa?
Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa,
Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta
Khi những em gặp gỡ giữa đường qua
Ngừng mắt lại, để trao cười, bỡ ngỡ.
Ấy là máu báo tin lòng sắp nở
Thêm một phen, tuy đã mấy lần tàn.
Ấy là hồn giăng rộng khắp không gian
Để đánh lưới những duyên hờ mới mẻ?
Ấy những cánh chuyển trong lòng nhẹ nhẹ
Nghe xôn xao rờn rợn đến hay hay…
Ấy là thư hồi hộp đón trong tay;
Ấy dư âm giọng nói đã lâu ngày
Một sớm tim bỗng dịu dàng đồng vọng…
Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng,
Thế là xuân.
Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiThể thơ: Thơ mới 8 chữ
Đôi nét về bài thơ:
Hơi thở và cảm xúc của tác giả được thể hiện rất thật, rất rõ nét, đó là tiếng lòng của rất nhiều độc giả ở thời đại nào đi nữa mặc dù thời gian và không gian cách nhau ngót ngét hơn 80 năm. Dù có cách gần 1 thế kỷ nhưng tình cảm và tinh thần dành cho mùa Xuân thời nào cũng thế …, vội vã, mãnh liệt và …bất lực trước thời gian.
Biển
Lời bài thơ:
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…
Bờ đẹp đẽ cát vàng-
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết
Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Cầm tay (1962)
Đôi nét về bài thơ:
Biển của Xuân Diệu là một trong những bài thơ hay nhất của ông hoàng thơ tình. Với những vần thơ giản dị này mà ta có thể cảm nhận được sâu sắc một tình yêu được lồng vào khung trời biển khơi. Chính sự mênh mông vô hạn ấy đã mang khung trời biển hòa vào cái tha thiết của tình yêu. Ở đây ta cảm nhận được những điều cao lớn hơn và cũng rất đậm chất hóm hỉnh của Xuân Diệu. Biển xanh hay bể biếc chỉ là những cách nói khác nhau về một đối tượng mà thôi. Đó là sự vòng vo để làm duyên và cũng là một cách để lấy lòng người mình yêu đó mà. Có làm biển biếc thì khi đó người mình yêu mới có thể là bờ để thầm vỗ. Hay đơn giản là một cách nói tình yêu của anh dành cho em mênh mông như biển và cũng chính là sự vĩnh hằng. Và tình yêu ấy luôn bồi hồi tha thiết như sóng trùng đại dương.
Trăng
Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ…
Im lìm, không dám nói năng chi.
Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng,
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá,
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang.
Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,
Cho gió du dương điệu múa cành;
Cho gió đượm buồn, thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.
Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.
Thông tin tác phẩm:
- Thể loại: Văn học hiện đạiTập thơ: Thơ thơ (1938)
Đôi nét về bài thơ:
Xuân Diệu là một nhà thơ nổi tiếng với những vần thơ tình lai lãng bay bổng, thơ của ông rất cuốn hút người nghe. Những bài thơ tình nghe thôi cũng đã thấy vấn vương lưu luyến rồi. Trăng cũng là nguồn cảm hững bất tận để ông gửi tâm tư lòng mình, những bài thơ về trăng đều là thơ tình yêu có lãng mạn, có đau khổ, có nhơ nhung, có luyến tiếc…
Xuân Diệu là ai?
Ngô Xuân Diệu (2 tháng 2 năm 1916 — 18 tháng 12 năm 1985), là nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn, nhà phê bình văn học và chính khách người Việt Nam. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX.
Được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu nổi tiếng với tập Thơ thơ (1938), thể hiện một tiếng nói riêng biệt chịu ảnh hưởng văn hoá phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng thủ pháp thơ phương Tây như enjambment vào thơ Việt Nam, dù đôi khi vẫn tuân theo hình thức truyền thống như lục bát. Trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến năm 1944, thơ của ông đã thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, Xuân Diệu còn được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”.
Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945, thơ của ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh, và các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; ông không còn sáng tác thơ tình nhiều như trước. Khi qua đời năm 1985, ông để lại khoảng 450 bài thơ, cùng một số truyện ngắn, tiểu luận phê bình. Ông từng là là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I từ Hải Dương.
Phong cách sáng tác của Xuân Diệu?
Xuân Diệu là một trong những cây bút lớn của phong trào Thơ mới ở Việt Nam. Thơ của ông mang nhiều màu sắc khác nhau, để lại nhiều dấu ấn cho bạn đọc. Ông chính là “ông hoàng của tình yêu” luôn tràn đầy sự tươi mới, yêu đời mãnh liệt.
Là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, chất thơ của Xuân Diệu luôn tạo được sự mới mẻ, khác biệt; sử dụng ngôn từ sáng tạo nên hấp dẫn nhiều độc giả. Ai đã đọc thơ Xuân Diệu chắc chắn sẽ khó lòng mà quên được! Ông là con người có tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ. Việc sáng tác văn thơ không chỉ để khẳng định tài năng mà còn là cách để ông giao cảm với đời, khẳng định sự hiện hữu của mình trong cuộc đời.
Cũng vì lẽ đó mà Xuân Diệu còn được biết đến là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, luôn khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Sau cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu có hướng đi mới trong phong cách viết thơ đó là hướng tới đời sống thực tế, mang đậm tính thời sự. Ý thức được trách nhiệm của một công dân, Xuân Diệu miệt mài sáng tác những bài thơ chào cách mạng với các vần thơ yêu đời.
Nhà thơ Xuân Diệu đã góp vào nền văn học Việt Nam những bài thơ đặc sắc và dạt dào cảm xúc. Bạn đã biết đên báo nhiêu bài thơ trong số trên? Mong rằng,Blogthoca.edu.vn lần này đã mang đến cho bạn một lượng kiến thức bổ ích. Còn chờ gì nữa mà không pha một tách trà và ngồi ngẫm nghĩ những ý thơ thiết tha ấy!