Chí Phèo là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nam Cao và cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất của nền văn học hiện thực phê phán. Ở Chí Phèo không những mang giá … xem thêm…trị về nội dung mà còn giá trị nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Dưới đây, Blogthoca.edu.vn sẽ gửi tới bạn những bài văn phân tích giá trị nghệ thuật trong Chí Phèo hay nhất nhé!
Bài tham khảo số 1
Nam Cao là một nhà văn luôn thành công ở hai phương diện của sáng tác đó là khám phá về nội dung và phát minh sáng tạo về hình thức. Chính điều đó đã nâng tầm vóc nhà văn Nam Cao thành một nhà văn lớn, một tác gia lớn của nền văn xuôi hiện đại.
Truyện ngắn Chí Phèo (1941) đã được xếp vào hàng kiệt tác bởi Nam Cao đã “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có” cả về nội dung và nghệ thuật. Ở tác phẩm này nhà văn Nam Cao đã thể hiện được một trình độ bậc thầy về nghệ thuật xây dựng nhân vật sống động, khám phá miêu tả sâu sắc tâm lí nhân vật, kết cấu tác phẩm một cách độc đáo và có một vốn ngôn ngữ phong phú sinh động cho mọi loại hinh nhân vật. Theo dõi từng trang truyện ngắn đặc sắc này chúng ta sẽ thấy rât rõ tài nghệ đó của Nam Cao.
Nói đến văn xuôi là nói đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, mỗi nhà văn có một cách thể hiện khác nhau và thành công ở những mức độ khác nhau. Đối với nhà văn Nam Cao ở tác phẩm này thì ông đã xây dựng được thành công cả tuyến nhân vật chính diện và phản diện và không những thành công mà thành công ở cấp điển hình.
Về các nhân vật phản diện nhà văn tập trung vào ba nhân vật đó là Bá Kiến, Lí Cường và Đội Tảo. Trong đó tác giả tập trung khắc hoạ bản chất của nhân vật Bá Kiến, Bá Kiến thức sự là một con hổ biết cười. Đối với một con mồi như Chí Phèo khi thì Bá Kiến nhỏ nhẹ để làm mềm nhũn Chí Phèo, có khi thì Bá Kiến doạ nạt bằng những lời lẽ có gang có thép. Ngoài cái thủ đoạn đó thì Bá Kiến được tác giả liệt kê ra nhiều thủ đoạn thâm độc xảo quyệt. Với những nét khắc hoạ đó nhà văn đã dựng lên được một Bá Kiến rất sớng động, rất điển hình cho bọn cường hào ác bá ở nông thôn trước cách mạng tháng tám.
Về nhân vật chính diện nhà văn tập trung vào hai nhân vật và mối quan hệ của hai nhân vật đó là Chí Phèo và Thị Nở. Hai nhân vật này có số phận khác nhau nhưng lại làm sáng tỏ cho nhau. Trong đó Thị Nở thực chất là nhân vật để làm nổi bật con người Chí Phèo, bi kịch Chí Phèo. Chí Phèo hiện hình dưới ngòi bút của Nam Cao có số phận rất duyên từ xuát than đến đời sống, nhưng Chí Phèo là nhân vật điển hình vì bên cạnh Chí Phèo còn có Năm Thọ, Binh Chức là những hình đồng dạng với Chí Phèo. Có thể khẳng định thành công nhất về mặt nghệ thuật của tác phẩm Chí Phèo là xây dựng được hai điển hình văn học, trong đó điển hình nổi bật nhất là nhân vật Chí Phèo.
Nói đến văn xuôi là nói đến nhân vật, nói đến nhân vật là nói đến tâm lí tính cách nhân vật, nói đến tác phẩm Chí Phèo là người ta nghĩ ngay đến cái tinh tế của nhà văn trong việc phát hiện ra được những nét tâm lí rất thật rất đúng của những con người tưởng là không có những nét tâm lí đó. Mỗi nhân vật sở dĩ thành công bởi những nét tâm lí tính cách khác nhau. Tâm lí của Bá Kiến là biết tâm lí của người đời, biết mềm nắn rắn buông, tâm lí của vợ Bá Kiến là hiếu kì lẳng lơ, tâm lí của người nông dân là sợ tai hoạ.
Khả năng miêu tả tâm lí sâu sắc nhất của Nam Cao trong tác phẩm này là đã khám phá được diễn tả được tâm lí của nhân vật chính đó là Chí Phèo và Thị Nở. Người đọc rất tâm đắc với nhà văn rất cảm phục nhà văn khi Nam Cao phát hiện được tâm lí của Chí Phèo khi gặp Thị Nở. Khi Chí Phèo nhận được bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí Phèo từ ngạc nhiên rồi sau đó là mắt ươn ướt cảm động và tiếp đến là có cái gì đó như là ăn năn muốn làm hoà với mọi người rồi làm nũng với Thị như với mẹ đó là những nét tâm lí rất thật của những con người muốn được tái sinh. Cái sâu sắc của Nam Cao chính là chỗ đó.Một biểu hiện nghệ thuật độc đáo của tác phẩm đó là cách tổ chức kết cấu tác phẩm. Đó là một cách kết cấu vừa linh hoạt vừa độc đáo vừa đa dạng. Cái độc đáo đầu tiên của kết cấu tác phẩm là tác giả đã đảo ngược thời gian đi từ hiện tại rồi đến quá khứ rồi đến hiện tại.
Một biểu hiện của kết cấu không mới nhưng lại rất hợp lí ở tác phẩm này đó là kết cấu theo lối khép kín. Nhà văn mở đầu tác phẩm bằng một lò gạch cũ nơi Chí Phèo ra đời rồi kết thúc tác phẩm cũng mọt lò gạch cũ với một sự liên tưởng một Chí Phèo con sắp ra đời. Cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời Chí Phèo vẫn cứ tiếp diễn đó là vòng luân hồi nhưng lại bế tắc. Ýnghĩa của tác phẩm toát ra rất sâu sắc từ kết cấu này.
Ngoài hai kiểu kết cấu trên nhà văn đã tổ chức được một sự đa dạng của hành văn khi thì độc thoại khi thì đối thoại, khi thì kể, khi thì tả, khi thì tường thuật.
Một phương diện nghệ thuật mà nhà văn rất thành công ở truyện ngắn Chí Phèo, đó là cách sử dụng ngôn ngữ rất phù hợp với từng đối tượng nhân vật. Ngôn ngữ của bọn Bá Kiến, Lí Cường là ngôn ngữ của bọn bề trên khi mềm mỏng khi đanh rắn rất biến hoá. Ngôn ngữ của các nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở thì rất quê mùa có khi là tục tằng thô lỗ đó là loại ngôn ngữ phù hợp với tính cách nhân vật. Nhìn chung tác phẩm viết về đề tài người nông dân nên ngôn ngữ mà tác giả sử dụng trong tacs phẩm là loại ngôn ngữ bình dân chân quê, rất phù hợp với cảnh và tình của tác phẩm.Truyện ngắn Chí Phèo là một trong những truyên ngắn xuất sắc tiêu biểu của văn học hiện thực trước cách mạng tháng tám nói chung của nhà văn Nam Cao nói riêng. Tác phẩm này thành công trên nhiều phương diện cả nội dung và hình thức, nhưng đặc biệt nhất vẫn là nghệ thuật xây dựng kết cấu tác phẩm. Cùng một vấn đề rất phổ biến của xã hội lúc bấy giờ nhưng với tài nghệ của mình Nam Cao dẫn điển hình hoá được cả hai loại nhân vật chính diện và phản diện. Đọc tác phẩm này chúng ta vừa cảm phục được cái tâm của tác giả lại vừa cảm phục cái tài của tác giả. Cái tâm và cái tài đó là tiền đề để nhà văn thành công ở tác phẩm này.
Bài tham khảo số 2
Chí Phèo” thật sự là một kiệt tác, thể hiện đầy đủ nhất tài năng nghệ thuật xuất sắc, độc đáo của nhà văn Nam Cao. Bút pháp điển hình hoá đạt tới trình độ bậc thầy trong xây dựng nhân vật. Nam Cao có biệt tài trong việc miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật. Tác giả có khả năng trong việc miêu tả tâm lý phức tạp của nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên trước mắt người đọc rất sống động, có cá tính độc đáo. Chí Phèo, Bá Kiến là những điển hình nghệ thuật bất hủ. Họ vừa tiêu biểu cho một loại người có bề dày xã hội, vừa là những con người rất cụ thể, có sức sống nội tại mạnh mẽ.
Khác với những nhân vật của một số nhà văn đương thời có chức năng chủ yếu là khái quát tính cách nhân vật. “Chí Phèo” của Nam Cao đã khái quát một hiện tượng phổ biến đã trở thành quy luật trong xã hội lúc bấy giờ; hiện tượng những người nông dân nghèo lương thiện do bị áp bức bóc lột đè nén nặng nề bị đẩy vào con đường tha hoá lưu manh.
Tuy nhiên nhân vật của Nam Cao còn thể hiện như một nhân vật có cá tính hết sức độc đáo, không lặp lại, vừa đa dạng vừa thống nhất. Chí Phèo vừa là kẻ bán rẻ cả nhân tính, nhân hình để tồn tại, vừa là kẻ dám thủ tiêu sự sống của mình khi nhân phẩm đã trở về. Chí Phèo vừa là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, một thằng triền miên chìm trong cơn say đến mất cả lý trí, vừa là kẻ khao khát lương thiện, muốn làm hoà với mọi người, vừa là một kẻ nô lệ thức tỉnh, một đầu óc sáng suốt nhất, tỉnh táo nhất của làng Vũ Đại khi đặt ra những câu hỏi có tầm khái quát sâu sắc về quyền được làm người lương thiện đến mức Bá Kiến cũng phải ngạc nhiên, Chí Phèo vừa là kẻ cố cùng, vừa là người tự xưng “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”.
Nghệ thuật trần thuật kể truyện linh hoạt tự nhiên phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, đảo lộn trình tự thời gian, mạch tự sự có những đoạn hồi tưởng, liên tưởng tạt ngang, tưởng như lỏng lẻo mà thực sự rất tự nhiên, hợp lý, hấp dẫn.
Ngôn ngữ của Nam Cao cũng đặc biệt tự nhiên, sinh động, sử dụng khẩu ngữ quần chúng một cách triệt để, mang hơi thở đời sống, giọng văn hoá đời sống. Ngôn ngữ kể chuyện vừa là ngôn ngữ của tác giả, vừa là ngôn ngữ của nhân vật, nhiều giọng điệu đan xen, tạo nên một thứ ngôn ngữ đa thanh đặc sắc.
Có thể nói “Chí Phèo” đánh dấu một trình độ phát triển mới của văn học và nghệ thuật viết truyện ở nước ta.
Bài tham khảo số 3
Chí phèo là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nam Cao và cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất của nền văn học hiện thực phê phán. Thành công của truyện ngắn Chí Phèo không chỉ ở hình tượng nhân vật Chí Phèo mà còn ở bút pháp viết truyện ngắn có một không hai của nhà văn Nam Cao.
Ở Chi phèo là truyện ngắn nhà văn Nam Cao đã thể hiện được bút pháp điển hình hoá đạt tới trình độ bậc thầy trong xây dựng nhân vật.
Quả thực, Nam Cao có biệt tài trong việc miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật. Tác giả có khả năng trong việc miêu tả tâm lý phức tạp của nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên trước mắt người đọc rất sống động, có cá tính độc đáo. Nam cao đã sử dụng nhiều thủ pháp, nhiều phương tiện để miêu tả tâmlý nhân vật, tạo nên một chủ nghĩa tâm lý trong sáng tác của ông. Nam Cao thường sử dụng thiên nhiên làm phương tiện để thể hiện trạng thái tâm lý của nhân vật.
Khung cảnh thiên nhiên được cảm nhận qua đôi mắt của Chí Phèo sau khi thức tỉnh: “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá…” là những âm thanh quen thuộc của cuộc sống mà bấy lâu nay Chí Phèo không nhận thấy, giờ trở thành tiếng gọi tha thiết kéo Chí Phèo trở lại với cuộc sống lương thiện, đánh thức khát khao lương thiện trong tâm hồn Chí
Chí Phèo, Bá Kiến là những điển hình nghệ thuật bất hủ. Họ vừa tiêu biểu cho một loại người có bề dày xã hội, vừa là những con người rất cụ thể, có sức sống nội tại mạnh mẽ.
Khác với những nhân vật của một số nhà văn đương thời có chức năng chủ yếu là khái quát tính cách nhân vật. “Chí Phèo” của Nam Cao đã khái quát một hiện tượng phổ biến đã trở thành quy luật trong xã hội lúc bấy giờ; hiện tượng những người nông dân nghèo lương thiện do bị áp bức bóc lột đè nén nặng nề bị đẩy vào con đường tha hoá lưu manh.
Khi xây dựng nhân vật, Nam Cao tạo ấn tượng bằng hai cách: hoặc là miêu tả chi tiết, đặc tả diện mạo bên ngoài, hoặc là chỉ thoáng qua, không vẽ chi tiết cụ thể về diện mạo của nhân vật. Ở những sáng tác viết về người nông dân Nam Cao thường tạo nên những nhân vật dị dạng và tập trung miêu tả chi tiết hình dáng bên ngoài của những nhân vật này. Đó là bộ mặt “nặng chình chĩnh như người phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm đầy những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn, ngắn ngủn lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề” của Lang Rận. Đó là bộ mặt “vằn dọc vằn ngang không thứ tự biết bao nhiêu là sẹo” của Chí Phèo hay bộ mặt xấu đến mức ma chê qỷ hờn của Thị Nở.
Đặc tả những bộ mặt dị dạng, ghê tởm của nhân vật là cách thức để Nam Cao làm rõ hơn tính cách bên trong của nhân vật. Ẩn sâu dưới cái vẻ bề ngoài ghê tởm, đáng sợ ấy là những con người hết sức đáng thương. Do hoàn cảnh xô đẩy mà Chí Phèo từ một người nông dân hiền lành, lương thiện bị biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, một kẻ đâm thuê chém mướn, gây ra không biết bao nhiêu tội ác, nhưng rồi Nam Cao vẫn phát hiện ra đốm sáng lương tri còn sót lại trong con người bị tước đoạt cả nhân hình và nhân tính ấy. Chí Phèo thức tỉnh và khát khao trở lại làm người lương thiện.
Thị Nở là người đàn bà xấu đến mức ma chê quỷ hờn, nhà lại có dòng giống mả hủi, Thị lại dở hơi nên cả làng Vũ Đại đều xa lánh Thị: “người ta tránh Thị như tránh một con vật nào rất tởm”. Một người phụ nữ như thế mà Chí Phèo muốn chung sống làm lại cuộc đời cũng không được xã hội thừa nhận. Khi miêu tả Thị Nở Nam Cao đã sử dung bút pháp cường điệu để tô đậm cái xấu của Thị Nở, Thị Nở càng xấu thì bi kịch của Chí Phèo càng lớn. Khi xây dựng nhân vật người trí thức Nam Cao ít khi miêu tả ngoại hình. Ông chỉ chú ý đến những nét ngoại hình thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật mà ông tập trung đi sâu vào đặc tả diện mạo tinh thần nhân vật qua những giằng xé, những cuộc vật lộn căng thẳng về tinh thần bên trong của nhân vật. Tâm lý nhân vật trở thành đối tượng chính của ngòi bút Nam Cao.
Tài năng miêu tả tâm lý của Nam Cao thể hiện ở chỗ ông có khả năng nắm bắt những biến thái tinh vi, những rung động tinh tế trong tâm hồn con người. Ông là một nhà văn có biệt tài khi miêu tả những trạng thái tâm lý phức tạp, những hiện tượng lưỡng tính dở say dở tỉnh, dở khóc dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện và ác, hiền với dữ, giữa con người với con vật. Với tài năng bậc thầy Nam Cao đã diễn tả cụ thể, sâu sắc diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở. Thị Nở với bát cháo hành tình nghĩa đã làm sống dậy bản chất lương thiện trong con người Chí. Sau bao nhiêu năm ngập sâu trong vũng bùn tội lỗi, giờ đây Chí Phèo lại khát khao trở về với cuộc sống lương thiện.
Tuy nhiên nhân vật của Nam Cao còn thể hiện như một nhân vật có cá tính hết sức độc đáo, không lặp lại, vừa đa dạng vừa thống nhất. Chí Phèo vừa là kẻ bán rẻ cả nhân tính, nhân hình để tồn tại, vừa là kẻ dám thủ tiêu sự sống của mình khi nhân phẩm đã trở về. Chí Phèo vừa là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, một thằng triền miên chìm trong cơn say đến mất cả lý trí, vừa là kẻ khao khát lương thiện, muốn làm hoà với mọi người, vừa là một kẻ nô lệ thức tỉnh, một đầu óc sáng suốt nhất, tỉnh táo nhất của làng Vũ Đại khi đặt ra những câu hỏi có tầm khái quát sâu sắc về quyền được làm người lương thiện đến mức Bá Kiến cũng phải ngạc nhiên. Chí Phèo còn là kẻ cố cùng, vừa là người tự xưng “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”.
Chí phèo, Binh chức, Năm Thọ trong “Chí Phèo” vốn là những con người lương thiện nhưng bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa, mất cả nhân hình và nhân tính. Viết về những người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa Nam Cao đã lên án gay gắt xã hội bất công, ngang trái đã chà đạp lên nhân phẩm con người, đồng thời phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện vẫn luôn tồn tại ở ngay cả những con người bị tha hóa ấy.
Ngoài ra là nghệ thuật trần thuật kể truyện linh hoạt tự nhiên phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, đảo lộn trình tự thời gian, mạch tự sự có những đoạn hồi tưởng, liên tưởng tạt ngang, tưởng như lỏng lẻo mà thực sự rất tự nhiên, hợp lý, hấp dẫn.
Ở truyện “Chí Phèo”, Nam Cao đã để nhân vật xuất hiện bắt đầu bằng tiếng chửi: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời…”. Cách mở truyện như vậy gây ấn tượng và tạo sự cuốn hút với người đọc về cuộc đời, số phận của nhân vật.
Nam Cao cũng hay sử dụng và sử dụng thành công kiểu kết cấu vòng tròn. Đây là kiểu kết cấu mà phần mở đầu và phần kết thúc của tác phẩm có sự tương ứng với nhau; những hình ảnh, những tình tiết xuất hiện ở đầu tác phẩm bằng hình thức này hay hình thức khác, lại được gợi ra một cách đầy ám ảnh ở cuối tác phẩm. Hình thức kết cấu này đòi hỏi một sự sắp xếp hợp lý các sự kiện, các tình tiết tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa chúng.
Đọc “Chí Phèo” ta cứ mãi bị ám ảnh bởi hình ảnh “chiếc lò gạch cũ” xuất hiện ở phần đầu và phần cuối tác phẩm. Hình ảnh ấy vừa có ý nghĩa mở đầu và kết thúc, khép lại cuộc đời của một kẻ khốn khổ tủi nhục nhất trong xã hội thực dân phong kiến, vừa như dự báo về sự xuất hiện của một kiếp người mà số phận chắc sẽ còn thê thảm hơn nhiều. Bằng kiểu kết cấu này Nam Cao muốn nói rằng: chừng nào xã hội còn nhiều bất công, ngang trái thì chừng ấy vẫn còn nhiều cuộc đời, nhiều số phận như Chí Phèo.
Ở truyện “Đời thừa” kết cấu vòng tròn lại tạo ấn tượng sâu đậm về sự luẩn quẩn, bế tắc, không lối thoát của nhân vật Hộ. Là một nhà văn có lý tưởng, có hoài bão nhưng vì lẽ sống tình thương, vì gánh nặng gia đình Hộ buộc phải hi sinh lý tưởng, viết dễ dãi để nuôi sống gia đình, vì vậy mà Hộ luôn day dứt, tự dày vò bản thân, Hộ tìm đến rượu để quên đi những đau đớn về tinh thần. Lúc say Hộ đối xử với vợ con như một kẻ vũ phu, nhưng khi tỉnh lại Hộ lại vô cùng hối hận, tuyên bố sẽ chừa rượu, nhưng rồi Hộ lại uống và lại thô bạo với vợ con …sau đó lại ăn năn, hối hận. Kết cấu vòng tròn của tác phẩm đã góp phần làm nổi bật tấn bi kịch tinh thần luẩn quẩn, không lối thoát của nhân vật Hộ.
Ngôn ngữ của Nam Cao cũng đặc biệt tự nhiên, sinh động, sử dụng khẩu ngữ quần chúng một cách triệt để, mang hơi thở đời sống, giọng văn hoá đời sống. Ngôn ngữ kể chuyện vừa là ngôn ngữ của tác giả, vừa là ngôn ngữ của nhân vật, nhiều giọng điệu đan xen, tạo nên một thứ ngôn ngữ đa thanh đặc sắc.
Với tất cả những đặc sắc nghệ thuật ấy, “Chí Phèo” đánh dấu một trình độ phát triển mới của văn học và nghệ thuật viết truyện ở nước ta.
Bài tham khảo số 4
Năm 1941, kiệt tác Đôi lứa xứng đôi được nhà xuất bản Đời mới – Hà Nội in ra sách lần đầu. Từ ấy, cái tên Chí Phèo bước ra cuộc sống, sánh ngang với Sở Khanh, Chúa Chổm trước kia, những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan…đương thời, trở thành một điển hình văn học.
Năm 1946, Hội Văn hóa cứu quốc in lại, đặt tên Chí Phèo, cái tên ấy tồn tại trong những lần tái bản sau. Nhan đề truyện có thay đổi nhưng những giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc , mới mẻ trường tồn mãi mãi. Góp phần làm nên những giá trị ấy là tài năng nghệ thuật dựng truyện, dẫn truyện, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của nhà văn Nam Cao. Điều đó, người đọc dễ dàng nhận thấy ở nhân vật trung tâm truyện – nhìn từ phương diện nghệ thuật.
Thông thường, các nhà văn cho nhân vật xuất hiện sau “cái phông” dựng sẵn. Cách viết ấy giúp độc giả có tâm thế đón nhận sâu sắc hơn thông điệp tác giả gửi gắm qua nhân vật. Đặc sắc về nghệ thuật, ở truyện ngắn này, Nam Cao cho Chí Phèo xuất hiện một cách trần trụi, ô trọc: “Hắn vừa đi vừa chửi”
Rồi tác giả vừa ghi lại đầy đủ những câu chửi của Chí Phèo vừa hóa thân vào dân làng Vũ Đại (nguyên mẫu là làng Đại Hoàng của Nam Cao) lý giải những câu chửi đó. Nam Cao có dừng lại ở đó không? Người đọc có bằng lòng với những lý giải đó không? Suy ngẫm vấn đề này mới thấy ẩn ý sâu xa của tác giả.
Nói đến trời là nói tới đấng quyền uy tối cao, trong đó có việc ban phát “mệnh” cho mỗi con người:
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Mệnh của Chí Phèo bất hạnh nhất trong những con người bất hạnh: bị bỏ rơi lúc mới lọt lòng, được đem cho, bán, sống kiếp nô lệ rồi ở tù…Người ta chỉ sợ trời khi có ràng buộc về trách nhiệm, lễ nghĩa, vật chất với những cái mệnh khác. Độc mệnh như Chí Phèo hỏi còn gì phải sợ? Điều Nam Cao gửi gắm với người đọc: Chí Phèo cô độc ngay từ khi lọt lòng mẹ.
Đời là các mối quan hệ xã hội, cụ thể hóa cái “mệnh” của trời là giới tính, thân phận, địa vị, nghề nghiệp… trong xã hội. Khó xác định chính xác thân phận, địa vị, nghề nghiệp của Chí Phèo. Có chăng, về nghề nghiệp: “rạch mặt ăn vạ” – một nghề mới, theo lời của bà cô thị Nở – người có dòng mả hủi!
Người lầm than cơ cực thường than thân trách phận, Chí Phèo chửi “mệnh”, chửi “phận’vì đời Chí lầm than cơ cực hơn những người lầm than cơ cực!
Con người ai cũng có quê hương nhưng Chí Phèo thì không, chỉ có nơi hắn được sinh ra: cái lò gạch cũ ở làng Vũ Đại mà thôi! Vậy nên, dù chửi cả làng, nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không quê hương nói chi đến bạn bè? Bởi thế, Chí Phèo tìm mối quan hệ khác với cộng đồng: “Hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn! Không ai lên tiếng cả”. Vậy kẻ thù cũng không có nốt! Hắn chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?” hi vọng tìm ra manh mối gì đó về gia đình, nhưng “Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại không ai biết!”.
Đằng sau tiếng chửi của Chí Phèo là một nỗi khát khao được thừa nhận con người đúng nghĩa. Hắn không có họ, chỉ một cái tên Chí Phèo không biết ai đặt cho nữa. Chí Phèo càng tìm cách bấu víu càng bị làng Vũ Đại (rộng ra là xã hội) đẩy ra xa. Hắn sống cô độc, không quê hương, gia đình, bạn bè nên dễ bị kẻ khác lợi dụng, hành động mù quáng. “Hắn biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, tác oại tác quái, đạp đổ bao nhiêu cơ nghiệp, đập phá bao cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc…” Những hành động mù quáng đó chỉ xảy ra khi hắn đang say, hại mình (rạch mặt) để hại người (ăn vạ). Không say, Chí Phèo không thể làm điều ác. Không say, Chí Phèo là con người lương thiện, có lúc gần như thánh thiện, được Nam Cao đặc tả khi hắn bóp đùi cho bà ba – vợ lý Kiến, khi hắn nghe người ta trò chuyện sau cơn say ăn nằm với thị Nở.
Xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao không đặt trên cái trục tuyến tính thời gian nhưng người đọc dễ dàng phân chia các cột mốc sự kiện cuộc đời hắn: từ lúc lọt lòng đến khi làm canh điền cho lí Kiến; đi ở tù rồi trở về làng tác oai tác quái; cuối cùng gặp thị Nở cho đến khi vung dao đâm bá Kiến rồi tự sát.
Quãng đời đầu của Chí Phèo, Nam Cao kể như những thước phim lướt nhanh, điểm nhấn là cảnh bóp đùi cho bà ba. Trường đoạn ấy tái hiện ở giai đoạn cuối cuộc đời Chí, khi hắn đã “yêu” thị Nở: “Hắn nhớ đến bà ba, cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu hắn đâu. Hồi đó hắn hai mươi. Hai mươi tuổi người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn xác thịt. người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ. Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run. Không làm thì không được; mọi việc trong nhà, quyền bà ba. Chứ hắn, hắn có lòng nào đâu! Đến nỗi người đàn bà phát cáu. Bà thấy xa xôi không được, phải làm đến nơi. Bà bảo hắn rằng: “Mày thực thà quá! Con trai gì mà hai mươi tuổi đã như ông già”. Hắn vẫn giả vờ không hiểu. bà lẳng lơ bảo: “Chã nhẽ tao gọi mày vào đây chỉ để bóp chân thế này thôi ư?…” Và thấy hắn dùng dằng, bà mắng xơi xơi vào mặt. Hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì”
Chỉ nửa trang giấy, Nam Cao vừa miêu tả sống động hành động, nội tâm nhân vật Chí Phèo vừa khắc họa bản tính dâm đãng của mụ chủ. Người đọc kính trọng lòng tự trọng của Chí, trong hoàn cảnh khó xử, thân phận tôi đòi vẫn giữ được phẩm hạnh trong sạch. Không có cái tặc lưỡi, “cũng liều nhắm mắt đưa chân” của một chàng lực điền hai mươi tuổi. Cũng ở quàng đời ấy, Chí đã từng mơ một giác mơ “hạn chế”, hắn nhớ lại khi nghe tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ kháo nhau: “Hắn nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
Rốt cuộc, với Chí vẫn là giấc mơ. Nếu không đi ở tù, Chí Phèo cũng khó thực hiện giấc mơ đó. Định kiến xã hội vùi dập con người ta xuống tận bùn đen. Nam Cao khéo léo nhấn mạnh điều đó qua những lời xỉa xói của bà cô thị Nở: “Thật đốn mạt. Ngoài ba mươi tuổi…ai lại đi lấy chồng. Ai đời lại đi lấy chồng! Ừ! Mà lấy thì lấy ai chứ?…Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha…”
Bà cô thị Nở có dòng mả hủi, có cô cháu dở hơi, xấu không thể xấu hơn vẫn không xem Chí Phèo là một con người!
Chí Phèo thay đổi khi đi ở tù về cả nhân hình lẫn nhân tính. Hắn là sản phẩm được “giáo dục” của chế độ thực dân phong kiến qua sáu bảy năm: cái đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn, ngực và tay chạm trổ rồng phượng và một ông tướng cầm chùy – “trông gớm chết” vẫn không che đậy được bản tính sợ sệt cố hữu. Hắn không làm được gì, kể cả chửi bới khi không có rượu. Rượu cho hắn dũng khí. Viết tới đây tôi chợt nhớ một mẩu chuyện tiếu lâm hiện đại: “Một người đàn ông hỏi người ăn xin:
– Ông xin tiền để làm gì?
– Mua rượu uống!
– Ăn xin mà cũng uống rượu?
– Uống để có dũng khí mà ăn xin.”
Nam Cao sâu sắc, tinh tế miêu tả nội tâm chứ không phải miêu tả tội ác của Chí Phèo. Những tính toán,suy nghĩ của hắn khi bá Kiến mời vào nhà sau khi chửi bới, rạch mặt ăn vạ, khi “rượu đã nhạt” thật sống động, chân thực, hết sức thuyết phục. Lúc đầu hắn sợ, nhưng rồi nỗi sợ hãi được hóa giải: “cùng lắm thì đi ở tù”, mà ở tù hắn đã quen rồi. Lại nữa, cụ bá có con làm lí trưởng, thế lực nhất vùng, “Bắc Kì đại biểu”, miệng thét ra lửa cũng phải nhún nhường với hắn, thử hỏi “cả cái làng nghìn suất đinh có ai bằng được hắn?”. Cái tâm trạng “chiến thắng” kiểu anh hùng rơm, sĩ diện mang tính chất A.Q trong con người hắn: “anh hùng làng này cóc đứa nào bằng ta” có xuất phát điểm là sự liều lĩnh. Xã hội xua đuổi, bá Kiến lợi dụng, hắn nuôi dưỡng khí chất ấy bằng rượu để tồn tại, lâu dần thành thói quen để “giải quyết” công việc, kể cả “yêu” thị Nở.
Cái khí chất liều lĩnh của hắn là thói quen chứ không phải bản chất. Sau bát cháo hành của thị Nở – lần đầu tiên được người ta cho, hắn được xem như một con người đúng nghĩa, Chí Phèo ứa nước mắt nghĩ về cuộc đời mình, nghĩ về sự liều lĩnh, về nỗi cô đơn, bệnh tật. Nội tâm của Chí được Nam Cao khắc họa: “Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều được nữa”.
Dùng đại từ “hắn” để nói về Chí Phèo là để “khách quan hóa” sự việc, thật ra tác giả đồng cảm, thương xót đứa con tinh thần của mình bằng cách cài đặt chi tiết, dẫn dắt câu chuyện hay cách dùng từ trong quá trình xây dựng hình tượng Chí Phèo. Trong suốt mấy chục trang sách, tác giả chỉ nói Chí Phèo say rượu chứ không một từ “nghiện rượu”. Hay như đoạn trích vừa nêu, dùng từ “giật cướp” chứ không phải “cướp giật”. Suốt chiều dài câu chuyện, tác giả cho người đọc thấy hắn giật cướp những gì? Chỉ quả chuối xanh bẻ ở vườn nhà ai đó, bốc nhúm muối của cô hàng xén để làm mồi nhậu hay dọa đốt quán mụ hàng rượu không bán chịu cho hắn mà thôi.
Trước khi vào nhà Tự Lãng uống rượu, Nam Cao nhắc lại thứ tự từng câu chửi đoạn mở đầu truyện ngắn của Chí. Không một ai đáp lời hắn. Chí Phèo định vào bất kì nhà nào để đập bể một cái gì đó cho bõ tức. Nhưng hắn có đập bể cái gì đâu, chỉ sà xuống uống rượu cùng Tự Lãng. Chi tiết này Nam Cao chuẩn bị trước, nhằm nhấn mạnh hơn, lý giải thuyết phục hơn vì sao Chí Phèo không đến nhà thị Nở dâm chết “con khọm già” mà thẳng tiến đến nhà bá Kiến: “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm”.
Miêu tả kĩ càng những chi tiết uống rượu với Tự Lãng, Nam Cao tô đậm hơn khát vọng được thừa nhận là con người của Chí. Hai người uống “như chưa bao giờ được uống”, hết chai này Tự Lãng lấy chai khác, uống như một đôi tri kỉ cuồng. Hoàn cảnh Tự Lãng cũng cô đơn, đáng thương: vợ chết, có độc mụn con gái thì chửa hoang, bỏ nhà đi biệt xứ. Cùng chung tâm trạng nên dễ thông cảm với nhau. Lần đầu tiên Chí Phèo có bạn uống rượu, bạn tình cờ mà “tri kỉ”, tri kỉ đến mức không cần nói với nhau một lời, khác hẳn thói thường: rượu vào lời ra. Còn gì hơn nữa, vừa chửi “cha đứa nào không chửi nhau với hắn” để tìm kẻ thù, tức tối muốn đập bể môt cái gì đó thì gặp được bạn? Bữa rượu này Chí uống trong tâm trạng sảng khoái, uống vì sự đồng cảm chứ không phải uống lấy say để rạch mặt ăn vạ. Lúc này Nam Cao không cần đi sâu miêu tả Chí độc thoại nội tâm nữa, thay vào đấy, miêu tả cảnh vật. Con đường trăng, vườn chuối “những tàu lá đẫm sương dưới ánh trăng giẫy đành đạch như là hứng tình”, cho thấy tâm hồn Chí đang phơi phới. Khát khao được thừa nhận là con người phần nào được giải tỏa, bất chợt gặp thị Nở nằm hớ hênh dưới ánh trăng, nỗi khát tình của Chí trào lên. Việc “yêu” thị Nở của Chí Phèo là giật cướp nếu xét về hành động; xét về tâm lí, nó có cả một tiến trình. Tiến trình ấy chỉ được nhận thức rõ khi và chỉ khi người đọc đồng điệu với nhà văn, xót xa cảm thông cho một số phận bất hạnh.
Có thể nói Nam Cao là một nhà tâm lí học. Sau những trường đoạn làm người đọc căng ra suy nghĩ, ông “hạ hỏa” bằng những câu văn đậm chất hài hước miêu tả tình yêu Chí – Nở: “Hắn bảo thị:
– Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?
Thị không đáp, nhưng cái mũi đỏ của thị như càng bạnh ra. Hắn nhận thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý hắn, hắn bảo thị:
– Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.
Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí, khanh khách cười”
Nam Cao cẩn trọng với những chi tiết nhỏ. Sau “vẻ mặt phong tình” là “theo ý hắn”, bởi cái mặt đầy những vằn sẹo dọc ngang làm sao biểu hiện cảm xúc được? Rồi tác giả miêu tả đôi môi thị Nở nứt nẻ như bờ ruộng khô, mặt Chí đầy sẹo nên chúng không hôn nhau, chúng có cách yêu “cấu véo nhau, phát vào lưng nhau” chất lượng, hiệu quả hơn(!)
Một biến cố lớn trong cuộc đời Chí Phèo là đi ở tù, Nam Cao chỉ cần hai chi tiết, móc xích và soi sáng cho nhau. Chi tiết thứ nhất: tung dư luận mập mờ về việc Chí phải đi ở tù. “Có người nói ông lí ghen anh canh điền khỏe mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách, chẳng biết đâu mà lần”.
Chi tiết thứ hai, bá Kiến muốn bắt tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù vì trêu chọc bà tư: “Mắt bà, miệng bà có duyên nhưng trông đĩ lắm. hơi một tí là cười tít cả mắt lại, cái má thì hây hây. Mà thấy ghét những thằng trai trẻ, giá làm con bà không đáng, mà thấy đâu cũng đùa. Chúng đùa nhạt như nước ốc, chỉ được cái thô tục, mà gặp ai cũng cười! Chẳng nghĩ gì đến địa vị cả, người đâu mà vô tâm! Tức lạ! Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù…”
Về kết cấu, truyện được dựng trên những vòng tròn đồng tâm. Thế đất làng Vũ Đại là “quần ngư tranh thực” (đàn cá vây quanh một miếng mồi), cường hào năm bè bảy phái cùng xúm vào bóc lột ức hiếp dân lành. Rồi thời điểm nào làng cũng có những thằng đầu trâu mặt ngựa, hết Năm Thọ, binh Chức rồi nảy nòi ra một thằng Chí Phèo. Số phận Chí cũng song hành trên cái vòng chung ấy: đi ở tù từ nhà bá Kiến, kết thúc cuộc đời cũng tại nhà bá Kiến. Vật chứng cuộc đời hắn: cái lò gạch cũ ở làng Vũ đại ít người qua lại, và rồi tương lai một Chí phẩy cũng sẽ ra đời tại đó…Cái bế tắc ngột ngạt, quằn quại của người dân lành đã cùng cực, quẩn quanh không lối thoát. Cái kết cấu ấy logic cho bi kịch nhân vật Chí Phèo chứ không phải bi kịch thể loại. Ngoài giá trị phản ánh hiện thực, truyện còn cho thấy một dự báo biến động về thời cuộc trong tương lai không xa. “Cùng tắc biến, biến tắc thông” , hẳn quan niệm ấy nhà văn hiểu hơn ai hết.
Truyên ngắn càng về cuối càng trở nên hấp dẫn, giàu tính kịch. Nhân vật Chí Phèo được đồng cảm, xót thương hơn. Tư tưởng nhân đạo và bút lực phi thường của Nam Cao khơi gợi cho người đọc đương thời lòng căm phẫn xã hội xấu xa thối nát; nhắc nhủ những thế hệ sau Cách mạng tháng Tám phải biết quí cuộc sống hiện tại trên góc độ đối chiếu, so sánh. Không chỉ riêng về nhân vật Chí Phèo, các nhân vật khác của Nam Cao, suy ngẫm từ phương diện nghệ thuật, giúp chúng ta lĩnh hội tác phẩm trọn vẹn, sâu sắc hơn.
Bài tham khảo số 5
Nam Cao được biết đến là một cây bút tài hoa trên diễn đàn văn học Việt Nam, những tác phẩm ra đời mang màu sắc hiện thực sâu sắc. Những tác phẩm của ông mang cái nhìn về thời đại và cuộc sống hoàn toàn mới,cũng như hình ảnh trong các tác phẩm cũng đa dạng và phong phú, mang những mảng tính cách mà sự pha trộn sáng tối lại như được tương phản rõ rệt. Đây là câu chuyện về đoạn cuối cuộc đời của một con người trong xã hội thực dân phong kiến diễn ra và được ghi lại bởi Nam Cao, câu chuyện cũng gợi một những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thành công của truyện ngắn Chí Phèo không chỉ ở hình tượng nhân vật Chí Phèo mà còn ở bút pháp viết truyện ngắn có một không hai của nhà văn Nam Cao.
Tác phẩm mở đầu thật đặc sắc và đầy ấn tượng với tiếng vừa đi vừa chửi của Chí Phèo, và xung quanh hắn chỉ có mấy con chó đứng chầu chực sủa. Ngoài mấy con chó, không có ai đáp lời hắn. Mở đầu truyện ngắn rất đỗi tài tình và tự nhiên, giống như chúng ta đang chứng kiến khung cảnh ấy vậy. Những âm thanh hay cụ thể là những tiếng chửi của Chí Phèo lại làm cho mọi thứ trở nên sống động,mọi hình ảnh như mở ra trước mắt.Có thể nói hình ảnh Chí say rượu, vừa đi vừa chửi,chửi những gì mà hắn thấy. Có lẽ, dường như mọi người ở cái làng Vũ Đại đã quen với hình ảnh này của nó, cho nên cứ khi nào hắn chửi mọi người cũng chẳng để ý và nghĩ rằng:” chắc hắn trừ mình ra”. Tới đây ắt hẳn mọi người lại ngạc nhiên tại sao hắn lại có hành động như vậy, theo thông thường người ta chửi bới khi uất ức một chuyện gì hay quá áp lực. Quả là như vậy,hắn vốn là đứa trẻ từ khi mới đẻ ra đã bị bỏ rơi trong cái lò gạch bỏ hoang, được người làng nhặt về nuôi, đi ở cho nhiều nhà khác nhau, cuối cùng đến năm 20 tuổi thì về làm canh điền cho Lí Kiến. Vì ghen tuông với sự trẻ trung lực lưỡng của hắn và vì bà Ba để ý tới hắn, nên Bá Kiến tìm cách bỏ tù hắn, để hắn không thể xuất hiện nữa. Như có một sự vô cớ, Chí Phèo vốn dĩ là một người lương thiện, nghèo đói nên đi ở, nhưng trong xã hội đó,ai có tiền có quyền người đó được làm mọi thứ, và cứ thế từ một con người lương thiện, Chí dần bị đẩy vào con đường tha hóa và lưu manh hóa.
Sau khi được thả tù, bộ dạng Chí thay đổi hẳn,với cái đầu cạo trọc và hàm răng trắng hếu, trên mặt hiện lên vết sẹo dài. Trông hắn chẳng khác gì một con quỷ, quỷ đội lốt trong hình hài của một con người. Và người hắn tìm đến đầu tiên không ai khác chính là Bá Kiến.Khi biết Chí đứng trước nhà mình vừa say vừa ăn vạ, Lí Cường ra mắng hắn,nhưng ngay sau đó,Chí Phèo đã rạch mặt, những vết máu trên khuôn mặt đầy sẹo dọc ngang nằm trước cổng nhà Bá Kiến dưới nhiều con mắt dò xét của người dân nơi đây.Khác với Lí Cường, Bá Kiến là người khôn khéo,khi thấy hình ảnh đó,quay sang Lí Cường mắng sa sả như tỏ ra nhượng bộ, rồi đỡ Chí Phèo dậy. Hắn biết tên Chí Phèo luôn luôn ưa nhẹ,lại thích được mềm mỏng nên sau đó hắn đã mời Chí vào nhà và cho ăn uống hậu hĩnh. Lần thứ hai, Chí đến nhà Bá Kiến xin đi ở tù lần nữa vì Chí cho rằng đi tù còn có cơm ăn, ở làng mảnh đất cắm dùi cũng không có mà cái ăn cũng không, Bá Kiến lợi dùng cơ hội này nhờ hắn đi đòi nợ Đội Tảo 50 đồng và hứa sẽ,có vườn cho Chí. Sau khi Chí đã hoàn thành công việc được giao, Bá Kiến cho vài hào uống rượu và cắt cho hắn 5 sào vườn ở bãi sông. Bắt đầu từ lúc này Chí bỗng nhiên trở thành kẻ đâm thuê chém mướn, một công cụ đắc lực của Bá Kiến nhằm ức hiếp dân lành và thanh toán những kẻ có máu mặt trong làng nhưng không cùng vây cánh.
Dường như cuộc sống và con người của Chí Phèo lúc này đây đã thực sự thay đổi khi một lần trong lúc uống say ,hắn trở về túp lều ven sông định bước xuống tắm, tình cờ nhìn thấy Thị Nở đang nằm ngủ. Thị Nở được khắc họa là người nghèo rót mồng tơi, xấu ma chê quỷ hờn lại ngẩn ngơ như người đần trong cổ tích và Họ đã ăn nằm với nhau và thứ tình cảm đó đánh thức tình cảm bình thường cùng mong muốn làm một người bình thường trong Chí. Có lẽ hình ảnh bát cháo hành của Thị như liều thuốc tiên đánh thức con người lương thiện luôn giấu kín trong một bộ dạng quỷ dữ của hắn. Cái mùi cháo hành thơm kia như đã bốc lên và cử chỉ quan tâm của Thị đã khiến chí bùi ngùi và chợt nhận ra, anh muốn có một gia đình, với vợ dệt vải chồng đi làm, cứ thế cuộc sống êm đềm trôi qua. Nhưng, dường như niềm vui sướng chưa được bao lâu thì người bà cô đã khuyên Thị không nên ở với hắn,rồi Thị cũng là người duy nhất quay lưng lại với hắn thì cuối cùng cũng bỏ đi. Chiếc thang bắc cầu cho lòng lương thiện của Chí được sang bến bờ được sống như một người bình thường giờ đây hắn cũng không còn nữa. Chính vì thế, mà Chí Phèo đã mang dao tới nhà bá Kiến kết thúc đời bá Kiến và sau đó cũng tự sát, hắn không còn một lựa chọn nào khác.khi nghe được tin này, nhiều người tỏ ra hả hê, còn riêng Thị Nở lại nhìn xuống bụng và nghĩ tới cái lò gạch bỏ hoang không người qua lại.
“Chí Phèo” là một trong những truyện ngắn đặc sắc mà dường như dung lượng hiện thực được phản ánh trong trạng thái dồn nén, chứa nhiều mâu thuẫn, với nhiều nhân vật, và tình huống khác nhau…tác phẩm như mang tầm vóc của một tiểu thuyết. Chúng ta có thể dễ nhận thấy và phân tích theo vấn đề ý nghĩa nhân sinh của truyện, có thể phân tích theo tuyến nhân vật, hoặc cũng có phân tích-từng mối quan hệ giữa nhân vật chính là Chí Phèo với làng Vũ Đại và một số nhân vật có quan hệ trực tiếp (Bá Kiến, thị Nở). Dù là theo cách nào đi chăng nữa thì tất cả đều làm nổi bật nghệ thuật xây dựng tình huống, nghệ thuật miêu tả nhân vật và ngôn ngữ truyện.
Dường như hình ảnh làng Vũ Đại được ví như một hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng ,hiện thực cuộc sống được khơi ra từ những tình huống truyện đặc sắc và những chi tiết nhỏ nhất nhưng khiến độc giả không thể bỏ qua. Truyện ngắn “Chí Phèo” mở đầu và kết thúc theo kết cấu vòng, khi mở đầu truyện với hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang thì kết thúc truyện cũng như vậy, đó là chi tiết khi biết chí phèo tự sát, Thị Nở bỗng đã nhìn ngay xuống bụng mình và lại nghĩ ngay tới hình ảnh cái lò gạch, không biết một cuộc sống sẽ bắt đầu như thế nào, kết thúc mở khiến cho độc giả có nhiều liên tưởng thú vị. Ngôn ngữ trong tác phẩm là một điều không thể bỏ qua, lời trần thuật được xáo trộn, lắp ghép, đan xen không tuân theo trình tự tuyến tính của.cốt truyện. Nam Cao dường như đã bắt đầu bằng hình ảnh Chí khật khưỡng say và vừa đi vừa chửi. Chân dung nhân vật bước đầu hiện ra với những đường nét thật ấn tượng, buộc người đọc chú ý ngay từ khi mới đặt tay lên trang giấy. Ông đã thật tài tình khi đan xen, trộn lẫn lời nhân vật và lời người kể truyện, nhiều đơn vị lời văn có thể là của nhân vật vừa là của người kể chuyện. Thông qua đây, việc sử dụng này có ý nghĩa rất lớn đến việc đi sâu vào thẻ giới nội tâm rất phức tạp và tinh tế của nhân vật. Chính bởi nhờ vậy chân dung nhân vật hiện ra hết sức chân thực và sống động.
nội dung cần có trong bài phân tích?
Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao là một tác phẩm kinh điển của văn học hiện thực Việt Nam, mang nhiều giá trị nghệ thuật sâu sắc. Dưới đây là phân tích chi tiết về các giá trị nghệ thuật trong truyện:
- 1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
- Chí Phèo: Nam Cao đã khắc họa Chí Phèo từ một anh nông dân lương thiện trở thành một kẻ lưu manh, một hiện tượng điển hình của xã hội phong kiến nông thôn Việt Nam. Qua đó, tác giả đã lột tả được bi kịch của người nông dân bị xã hội vùi dập, biến đổi cả về hình thức lẫn nhân cách.Thị Nở: Một nhân vật có ngoại hình xấu xí, dở hơi nhưng lại là điểm sáng nhân văn trong truyện. Thị Nở là hiện thân của tình người, của hy vọng cứu rỗi cho Chí Phèo.Bá Kiến: Đại diện cho tầng lớp địa chủ phong kiến, Bá Kiến là kẻ thủ ác gián tiếp gây nên bi kịch của Chí Phèo.
2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý
- Tâm lý nhân vật Chí Phèo: Nam Cao đã miêu tả tỉ mỉ quá trình biến đổi tâm lý của Chí Phèo từ một người nông dân lương thiện trở thành một kẻ lưu manh. Tác giả đã khắc họa rõ nét sự dằn vặt, cô đơn, và khao khát được làm người lương thiện của Chí Phèo.Tâm lý nhân vật Thị Nở: Thị Nở cũng được miêu tả với những chuyển biến tâm lý phức tạp, từ sự e ngại, thương cảm đến tình yêu thật lòng dành cho Chí Phèo.
3. Nghệ thuật kể chuyện và cấu trúc truyện
- Lối kể chuyện linh hoạt: Truyện được kể theo ngôi thứ ba, nhưng người kể chuyện thường xuyên thay đổi góc nhìn, đưa ra những nhận xét, suy nghĩ của chính mình, tạo nên sự linh hoạt và đa chiều cho câu chuyện.Cấu trúc truyện: Truyện được xây dựng với những tình huống mâu thuẫn và cao trào rõ ràng. Quá trình từ lúc Chí Phèo gặp Thị Nở, trải qua những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, đến khi bị từ chối và cuối cùng là cái chết bi thảm, tất cả đều được bố trí một cách logic và chặt chẽ.
4. Giá trị hiện thực và nhân đạo
- Giá trị hiện thực: Tác phẩm phơi bày hiện thực tàn khốc của xã hội phong kiến nông thôn, nơi mà con người bị áp bức, bị biến dạng cả về hình hài lẫn tâm hồn.Giá trị nhân đạo: Qua bi kịch của Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với số phận của những người nông dân nghèo khổ. Tác phẩm lên án xã hội bất công đã đẩy con người vào đường cùng, đồng thời khẳng định giá trị và khát vọng sống lương thiện của con người.
5. Ngôn ngữ nghệ thuật
- Ngôn ngữ chân thực, sinh động: Nam Cao sử dụng ngôn ngữ bình dị, gần gũi với đời sống của người nông dân, nhưng vô cùng chính xác và giàu sức gợi.Ngôn ngữ nhân vật: Ngôn ngữ của các nhân vật trong truyện, đặc biệt là Chí Phèo và Thị Nở, được xây dựng rất đặc sắc, phù hợp với tính cách và hoàn cảnh sống của từng nhân vật.
6. Biểu tượng và hình ảnh nghệ thuật
- Hình ảnh lò gạch cũ: Lò gạch cũ, nơi Chí Phèo sinh ra, trở thành biểu tượng của sự khởi đầu và cũng là kết thúc của cuộc đời Chí Phèo.Hình ảnh bát cháo hành: Bát cháo hành của Thị Nở không chỉ là sự chăm sóc đơn thuần mà còn là biểu tượng của tình người, của hy vọng và sự cứu rỗi.
Nam Cao đã thành công trong việc khắc họa chân thực và sâu sắc hình ảnh người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến, đồng thời qua đó gửi gắm những thông điệp nhân văn sâu sắc
Trên đây là phân tích giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao, mong rằng kiến thức này sẽ giúp các em thuận lợi hơn trong quá trình học tập của mình!