Con người trong cuộc sống này muốn sống tốt thì ngoài vấn đề về tiền bạc ra còn một vấn đề nữa cần phải bận tâm đó chính là tình thương. Thật khó để ai đó có … xem thêm…được một cuộc sống hạnh phúc nếu như họ sống thiếu đi tình yêu thương. Văn học lại là sự phản ánh cuộc sống thông qua câu chữ. Do vậy mà chúng ta vẫn thấy văn học đề cao tính nhân văn, giá trị nhân đạo, đề cao quyền sống và quyền được yêu thương của con người. Nói một cách dễ hiểu thì giữa văn học và tình thương có một sự đồng nhất. Dưới đây là 7 bài văn mẫu Toplist sưu tầm với đề nghị luận về văn học và tình thương thuộc văn 8 hay nhất
Bài văn nghị luận số 1
Con người trong cuộc sống này muốn sống tốt thì ngoài vấn đề về tiền bạc ra còn một vấn đề nữa cần phải bận tâm đó chính là tình thương. Thật khó để ai đó có được một cuộc sống hạnh phúc nếu như họ sống thiếu đi tình yêu thương. Văn học lại là sự phản ánh cuộc sống thông qua câu chữ. Do vậy mà chúng ta vẫn thấy văn học đề cao tính nhân văn, giá trị nhân đạo, đề cao quyền sống và quyền được yêu thương của con người. Nói một cách dễ hiểu thì giữa văn học và tình thương có một sự đồng nhất.
Tình thương đó chính là thứ tình cảm xuất phát từ sự chân thành trong trái tim của con người. Nhờ có tình thương mà con người sống trong xã hội trở nên gắn kết với nhau hơn. Họ từ những con người xa lạ đã đồng cảm với nhau, thương mến nhau bởi một lý do nào đó mà đôi khi chính người trong cuộc cũng không rõ. Tình thương nói một cách rộng hơn đó chính là sự bác ái, là truyền thống lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Truyền thống tốt đẹp ấy đã có từ xa xưa và vẫn được con cháu ngàn đời sau lưu giữ.
Văn học của nước ta từ thời khởi thủy với văn hóa dân gian truyền miệng cũng đã truyền tai nhau những câu tục ngữ, ca dao nói về tình thương giữa con người với con người chẳng hạn như:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hay như câu:
Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần
Chẳng phải vô duyên vô cớ mà người xưa lại dạy chúng ta phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Trong truyền thuyết Con rồng cháu tiên, chúng ta được biết người Việt Nam vốn là anh em cùng một nhà do Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra. Đã là anh em một nhà thì việc yêu thương nhau là điều dễ hiểu. Rồi đến khi đất nước ta rơi vào cảnh lầm than, chiến tranh, đói khổ, biết bao con người đã rời xa quê hương của mình để lên đường ra chiến trận. Những chiến sĩ đã vào sinh ra tử, kề vai sát cánh bên nhau và trở thành những người đồng chí. Văn học đã ghi lại một cách chân thực tất cả những điều ấy.
Chúng ta có thể thấy được tình đồng chí quý báu thông qua bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu. Có thể thấy được tình thương yêu giữa quân và dân thông qua bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Sống trong thời bình, chúng ta lại thấy tình thương giữa những người đồng mình thông qua bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương, thấy được tình thương của anh em trong một nhà thông qua Cuộc chia tay của những con búp bê,… Và còn rất nhiều tình thương nữa vẫn được thể hiện trong văn chương qua mỗi tác phẩm.
Văn học không chỉ nói đến tình thương mà văn học còn phê phán xã hội, phê phán những kẻ đã nhẫn tâm chà đạp lên tình yêu thương của con người. Văn học của thời kì chống Mĩ, chống Pháp phê phán những kẻ xâm lược đã ngang nhiên cướp đi cuộc sống tự do của chúng ta. Chúng chà đạp con người, bắt những người thân phải xa cách nhau, giết hại biết bao nhiêu sinh mạng vô tội. Như trong tác phẩm Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, chúng ta đã thấy được tội ác của quân thù, đồng thời cũng thấy được ý chí sục sôi trong lòng người chủ tướng.
Văn học còn phê phán những kẻ thiếu tình thương với chính người thân yêu của mình. Có những con người sinh ra đã thiếu thốn tình thương của gia đình. Đó là Em bé bán diêm sống với người cha nghiện ngập suốt ngày chỉ biết đánh chửi em. Chính sự tàn nhẫn của người cha đã đẩy em bé bán diêm rơi vào bước đường cùng là chết trong cái giá lạnh của mùa đông. Văn học cũng phê phán những kẻ độc ác ngoài xã hội. Đó là vợ chồng Nghị Quế trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, đó là những con người vô cảm khi dửng dưng với em bé bán diêm.
Đối với bản thân mình em luôn xem văn học là sợi dây gắn kết yêu thương. Đọc mỗi một tác phẩm, em đều cảm nhận được tình thương của tác giả gửi gắm trong đó. Em nhận ra được những giá trị nhân đạo cao đẹp thông qua các tác phẩm. Để rồi từ đó, em tự soi xét lại bản thân mình, tự hoàn thiện mình để trở thành con người sống có cảm xúc, có yêu thương.
Bài văn nghị luận số 2
“Không có gì nghệ thuật hơn bản thân lòng yêu quý con người.” Đó là chân lí cuộc sống và cũng là chân lí của văn học. Nếu ví văn chương là con diều bay bổng trên trời cao bao la thì tình thương yêu chính là làn gió mát để nâng con diều ấy bay cao, bay xa đến những thăng hoa nghệ thuật và trường tồn với thời gian. Đọc những tác phẩm từ mọi thời, của mọi nhà văn, ta lại càng cảm nhận sâu sắc cái chân lí vĩnh cửu và xanh tươi ấy.
Mấy ai đã từng cố định nghĩa văn học là gì. Văn học được xác lập nhờ mối rung cảm thầm kín giữa con người và cuộc sống. Sống trong dòng chảy ngọt ngào của văn học, con người tắm mình trong tình cảm của nhà văn và của chính mình, Nhà văn phải luôn luôn đến với cuộc sống, để cảm nhận, khám phá, thẩm định nó. Văn học ra đời từ cuộc sống, văn học phải quay trở về để khám phá thể hiện lại cuộc sống. Song nếu chỉ dừng lại ở đó, ,văn học chưa là văn học, nó chỉ là cuốn biên niên sử thuần túy. Văn học chỉ thật sự là văn học khi nào từ cuộc sống ấy mà bật lên nét “cảm”, sự rung động của trái tim nghệ sĩ. Nhiệm vụ thiêng liêng của văn học chính là nuôi dưỡng tình thương trong con người, là đề cao tình thương và lên án những gì chà đạp lên giá trị nhân bản ấy.
Thế kỉ XV, đại thi hào Nguyễn Du viết “Đoạn trường tân thanh”. Trong đó, ta bắt gặp những sự thối nát, những cảnh trái ngang, nhưng hơn hết vẫn là một tấm lòng chan chứa nhân ái, yêu thương con người của Nguyễn Du. Truyện Kiều của ông có những hiện thực của “những điều trông thấy” nhưng phải được chắt ra từ những giọt nước mắt “đau đớn lòng”. Đó vừa là sự khẳng định, vừa là sự tiếp nối niềm tin về nhân cách và bản chất tốt đẹp của con người. Nếu sống thờ ơ ghẻ lạnh như một kẻ hành hương bàng quan, quyết Nguyễn Du không thể hòa vào với cuộc đời dâu bể của nàng Kiều để rung lên những tình cảm sâu lắng nhất. Ông đã đồng cảm với nàng Kiều và phát hiện ra cái cao thượng trong số phận tưởng chừng đã bị đạp xuống đáy sâu nhân cách ấy, cái trinh bạch trong con người Kiều giữa xã hội
Trong dòng văn học hiện thực trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao qua “Chí Phèo” đã nói một lời thanh minh, một sự khẳng định về phẩm chất tốt đẹp đối với người nông dân trong bi kịch tha hoá. Nhà văn đã cho tình thương – chứ không phải điều gì khác – trở thành một ngọn lửa sưởi ấm trái tim con quỷ làng Vũ Đại. Ông dựng lên mối tình giữa hắn và Thị Nở, với giây phút thức tỉnh hiếm hoi khi lần đầu tiên cảm nhận hai chữ “tình thương”. Với tiếng thét nhức nhối tâm can: “Ai cho tao lương thiện”, cho người đọc nhận ra cái phần Người trong một kẻ tưởng như đã mất hết cả nhân hình và nhân tính.
Nhà văn Thạch Lam thì dùng những trang viết giàu chất thơ để nói lên khao khát của những người dân phố huyện khắc khoải đợi chờ ánh sáng của một thế giới khác hơn đến với cuộc sống tù túng, tẻ nhạt của mình (Hai đứa trẻ). Nguyên Hồng thì khắc họa những “rung động cực điểm của một tâm hồn trẻ dại” của cậu bé ngày được gặp lại mợ trong “những ngày thơ ấu.” Ở đấy dường như không còn chỉ là vấn đề trái tim, mà là cái nhìn sắc sảo đã quyện hoà vào trong xúc cảm. Người nghệ sĩ phải có tình thương thì mới có thể sáng tác văn học, bởi chỉ có tình thương thì người ta mới vượt qua những bề nổi thông thường để phát hiện trong mỗi thân phận người những nỗi niềm sâu kín, những cảm xúc đa chiều đến vậy.
Và như thế, có một sự chuyển hóa trong tình yêu của tha nhân vào trong nỗi đau của người cầm bút. Và như thế, chính sự bận lòng với nhân tình thế thái, với thăng giáng lịch sử ấy đã biến tình cảm của con người thành tình cảm của một thời đại. Chỉ có thể từ tình thương yêu, nồng mặn gắn bó máu thịt với cuộc đời thì văn học mới mãi mãi đứng vững. Đó là thiên chức, là chiều sâu của văn học. Viết về cái xấu xa để cảnh tỉnh, báo động giúp con người sống với bản tính tốt đẹp của mình. Viết về cái tốt để nâng đỡ cái thiên lương của con người, để cuộc đời có nhiều công bằng và yêu thương hơn. Có những tác phẩm ríu ran với niềm vui cuộc sống, có những trang văn quằn quại với nỗi đau của cuộc đời. Nhưng tất cả cũng chỉ nhằm mục đích là muốn thắp lên trong mỗi trái tim con người ngọn lửa của tình yêu thương, để một lần nữa chứng minh “thắng lợi của trái tim người trước cái ác”, để một lần nữa chứng minh, gửi gắm trong văn chương nhiều nhất vẫn là tấm lòng nhân ái, là chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc và bền vững.
Càng hiểu thêm về cái gạch nối hữu cơ giữa văn học và lòng nhân ái, ta lại càng cảm thấy những gì mà mình đã học được chỉ như hạt cát giữa biển văn học mênh mông. Phải có đọc thêm, đọc thêm nữa, ta mới càng thấm thía hơn rằng cuộc đời thực không hề thơ mộng, không lãng mạn, không tuyệt đối, không lí tưởng mà còn biết bao nhiêu trái ngang, bộn bề, nhưng như thế thì nó lại càng đáng quý, đáng yêu hơn. Ta lại càng cảm thấy, mình đã học nghèo nàn biết bao nhiêu về văn chương – một môn học mà nếu thiếu nó thì người ta sẽ trở nên “câm lặng trước thế giới, bất lực trong tình cảm”. Ấy vậy mà, khi kết quả thi được như ta mong đợi, với vài lời nhận xét tốt trong ô điểm, ta đã vội chấp nhận và thỏa mãn, ta có ngờ đâu đó chỉ là sự bắt đầu trên con đường học văn. Văn chương đâu phải chỉ là sự trình bày kiến thức, là một trò chơi trí tuệ, là sự phô diễn chữ nghĩa, là đúc câu luyện chữ. Và ta còn phải học, học nhiều lắm để thật sự viết ra được những dòng văn chương cất từ chất liệu cuộc đời, dùng ngôn ngữ mà nói hộ những tiếng lòng nín bặt, những nỗi đau câm lặng mà nhiều khi một con người suốt đời không thể bày tỏ. Những dòng văn được xây dựng từ lòng yêu thương con người khắc khoải và nồng đượm, để từ đó mà vun đắp cho những giá trị tinh thần chân chính và bền vững.
Và ta biết rằng, nếu một ngày nào đó, bài văn của ta chẳng được ai đếm xỉa, điểm thấp và chỉ toàn lời chê bai, ta vẫn sẽ học văn, sẽ thích văn và vẫn sẽ cầm viết. Bởi vì văn học đã là một món quà. Văn học đã dạy cho ta cách để trái tim mình luôn hướng về tha nhân ngoài kia còn đang chờ đợi ta, văn học đã dạy cho ta cách để đôi mắt luôn lắng dõi cho những số phận bất hạnh hơn ta, dạy cho ta cách lắng nghe tiếng đời đang xao động mỗi ngày, tiếng khóc thầm và tiếng cười hi vọng, dạy cho ta cách dùng tất cả lòng nhiệt thành và sự may mắn ta đã được nhận để quay trở lại kia, quay trở lại với cuộc đời nắng gió và những kiếp người nhọc nhằn lo toan, để giúp đỡ, quan tâm và hỗ trợ.
Và nếu ta cũng không thể viết, nếu trí ta bất lực không thể viết được một tác phẩm ra hồn, thì ta vẫn yêu văn và đọc văn. Bởi vì cuộc đời sao mà chông gai quá và mỗi con người đều đang bước trên những bậc thang chênh vênh…. Ta chỉ mong sao, với những gì ta học được từ những tiết học văn, với những gì ta đọc được trong những tác phẩm văn học, ta sẽ luôn vin vào những điều tốt đẹp để bước qua được những thiếu sót, những hèn hạ trong bản thân mình. Để hoàn thiện mình mỗi ngày. Để rèn luyện trở thành một người tốt. Một người biết mang lại niềm vui. Một người có ích cho cuộc đời. Một người hành động vì tình thương. Một người hiểu hơn điều gì hết, rằng: học văn, trước tiên là học viết một từ ghép tuyệt đẹp “Nhân ái”.
Bài văn nghị luận số 3
Chúng ta có thể thấy, trong tất cả các tác phẩm văn học, không có tác phẩm nào là không nhắc tới tình thương. Thật vậy, văn học và tình thương là hai khái niệm đan xen, không thể tách rời.
Văn học là một bộ môn nghệ thuật dùng ngôn ngữ để tái hiện đời sống. Các nhà văn, nhà thơ cũng dùng ngôn ngữ để diễn tả tự tưởng, tình cảm của mình với cuộc sống, đặc biệt là tình yêu thương luôn được các nhà văn đề cập đến ở nhiều phương diện. Tóm lại, các cung bậc tình cảm yêu thương đều được phản ánh rất sinh động trong các tác phẩm văn học. Còn tình thương là những biểu hiện tình cảm của người với người, là sự thương mến, xót xa, đồng cảm của những tấm lòng nhân ái, là thứ tình cảm trao đi mà không cần nhận lại, không vụ lợi, toan tính.
Trước tiên, văn học thể hiện phong phú các cung bậc tình cảm yêu thương của con người. Khởi nguồn cho mọi tình yêu, đó là tình cảm gia đình – một thứ tình cảm mà chỉ có máu mủ ruột già mới hiểu được. Trong đó, tình mẫu tử là cao quý hơn cả. Hình ảnh cậu bé Hồng trong tác phẩm “Những ngày ấu thơ”, đã cho ta thấy được lòng hiếu thảo của Hồng và tình yêu thương mẹ tha thiết. Cậu phải sống trong cảnh mồ côi, người cha nghiện ngập rồi chết, người mẹ cùng túng phải đi tha phương cầu thực, Hồng đã phải sống trong cảnh hắt hủi ghẻ lạnh đến cay nghiệt của chính những người trong họ hàng. Ấy vậy mà cậu không hề oán trách mẹ, ngược lại, cậu lại càng yêu thương mẹ hơn. Và chính người mẹ, cũng đã vượt qua những dị nghị, những sự mặc cảm để trở về bên đứa con bé bỏng của mình. Không chỉ ở những tác phẩm văn học, mà ca dao tục ngữ cũng nói về tình cảm mẫu tử:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”
Cho dù ta đã lớn khôn, trưởng thành, nhưng mẹ sẽ luôn ở bên cạnh ta, theo ta đến suốt cuộc đời này. Mẹ ở bên ta để chia sẻ với ta những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, và mỗi khi ta vấp ngã, mẹ sẽ là người động viên, cổ vũ để ta có thể tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Tiếp theo, văn học còn cho ta thấy một thứ tình cảm cũng vô cùng đẹp đẽ, sâu sắc không kém, đó là tình cảm vợ chồng. Ví dụ như chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô tất Tố, chị là một người phụ nữ đảm đang, yêu thương chồng con hết mực, dám vùng dậy đấu tranh, đánh trả bọn cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ chồng mình. Không chỉ vậy, chắc hẳn trong chúng ta không ai có thể quên được câu chuyện cảm động “Cuộc chia tay của những con búp bê” của nhà văn Khánh Hoài. Hai anh em Thành và Thuỷ chia tay nhau đẫm nước mắt. Những con búp bê trong truyện cũng như hai anh em Thành và Thuỷ trong sáng, vô tư, không có tội lỗi gì, thế mà lại phải chia tay nhau. Đọc câu chuyện này, chúng ta thấy rơi nước mắt vì tình cảm yêu thương nhau của hai anh em. Qua đó, nhà văn đã cho chúng ta thấy tình cảm gắn bó giữa anh em với nhau trong gia đình.
Không chỉ trong gia đình mà ngay cả giữa những con người không cùng máu mủ, nhưng văn học vấn đề cập đến, đó tình yêu thương giữa con người với con người trong xã hội. Người xưa luôn nói đến tình cảm yêu thương đồng bào qua câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Bầu và bí là hai loại cây khác nhau nhưng thường được người nông dân trồng chung trên một rẻo đất, thường leo chung một giàn tre. Nó trở nên thân thiết, gần gũi, cùng chung một điều kiện sống, cùng chung một số phận. Chính vì thế, dân gian đã mượn hình ảnh cây bầu, cây bí, qua đó nhắc nhở con người phải biết yêu thương, đùm bọc nhau. Hay như nhân vật ông giáo trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao, ông là một người tri thức nghèo nhưng có lòng yêu thương người vô bờ bến. Khi lão Hạc phải xa con, dằn vặt vì không lo nổi đám cưới cho con mình, khi lão Hạc khổ sở vì bán con chó, thì chính ông giáo là người xoa dịu cái nỗi đau của lão Hạc. Ông là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi, tin cậy của lão Hạc.
Không chỉ vậy, ông giáo còn tìm mọi cách để giúp khi biết lão Hạc đã nhiều ngày không ăn gì.
Lòng yêu thương đất nước còn được thể hiện sâu sắc trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Trước tiên, Trần Quốc Tuấn thể hiện lòng yêu nước của mình ở lòng căm thù giặc. Ông vạch trần tội ác của giặc bằng lời lẽ sinh động, coi chúng như loài cầm thú: “cú diều”, “dê chó”, “hổ đói”. Trạng thái căm uất sục sôi, hận thù bỏng rát, chất chứa cảm xúc lớn về vận mệnh đất nước. Không chỉ Trần Quốc Tuấn là một vị chủ tướng yêu nước, mà ngay cả Nguyễn Trãi cũng thể hiện lòng yêu nước của mình qua văn bản “Nước Đại Việt ta”. Nguyễn Trãi đã có tư tưởng tiến bộ, ông đề cao sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của dân tộc. Không những thế, ông còn cho ta thấy tất cả các yếu tố của một quốc gia có độc lập tự chủ: nền văn hoá lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng.
Tình thương trong văn học còn thể hiện ở các nhà văn phê phán thái độ sống ích kỷ, độc ác của con người trong xã hội. Ví dụ như trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, chúng ta sẽ thấy được thái độ căm ghét của mọi người đối với mẹ con Cám. Cái chết ở cuối câu chuyện đã lên án gay gắt: những kẻ ác phải bị trừng phạt. Không chỉ trong truyện cổ tích dân gian, mà chính trong những tác phẩm văn học nước ngoài cũng phê phán lối sống vô lương tâm của con người. “Cô bé bán diêm” của Andersen là một trong những tác phẩm đó. Vào đêm giao thừa, một em bé mồ côi mẹ, đầu trần chân đất, bụng đói người rét, vẫn phải đi bán diêm. Em lang thang trên khắp mọi nẻo đường, nhưng không ai để ý đến em. Và cuối cùng, cô chết trong một xó tường, xung quanh là những que diêm đã đốt hết. Qua câu chuyện này, tác giả đã lên án thái độ sống thờ ơ của những con người trong xã hội.
Tình yêu thương gia đình, yêu thương đồng loại, phê phán những tội ác to lớn, tất cả đều được phản ánh trong văn học. Văn học chính là yếu tố quan trọng trong việc lưu giữ lịch sử của thế hệ trước cho đời sau.
Bài văn nghị luận số 4
Những cuộc chiến đi qua, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng. Nhưng những tác phẩm chân chính là những tác phẩm có thể đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa và ngôn ngữ bởi tính nhân văn của nó. Văn học và tình thương, phải chăng hai mà là một?
Văn học là những tác phẩm nghệ thuật sử dụng ngôn từ để tái hiện và phản ánh đời sống qua lăng kính chủ quan của tác giả. Qua đó để thể hiện những tư tưởng, tình cảm cũng như gửi gắm những bài học, thông điệp của tác giả. Một trong những tình cảm cao đẹp của con người và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình văn học, đó chính là lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Đó là thứ tình cảm cao đẹp, nhân hậu, không toan tính giữa con người với con người. Tình yêu thương đã trở thành dòng chảy chủ đạo trong những trang viết từ cổ chí kim.
“Văn học là nhân học” (M. Gorki). Văn học là tình yêu thương, mà cội nguồn của nó là tình yêu trong gia đình, là tình cảm thiêng liêng nhất. Văn học đề cao chữ “hiếu” của đạo làm con trong cuộc sống:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con như núi kia không vững chắc, như bể kia mênh mông mà những đứa con sẽ chẳng bao giờ hiểu và trả hết cho được. Những câu thơ ngắn gọn mà chân thành, chạm đến trái tim của mỗi con người về cội nguồn của mình cũng như bổn phận, trách nhiệm của mỗi đứa con. Để rồi sau này, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, dù mẹ có nơi đâu, với con mẹ vẫn là tuyệt nhất. Như cách chú bé Hồng đã vẹn nguyên tình yêu thương dành cho người mẹ đáng thương của mình, bảo vệ mẹ trước những lời nói cay độc, hiểm ác của bà cô về mẹ trong “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng. Giây phút thiêng liêng nhất trên cuộc đời chính là khi con được ở trong lòng mẹ, được mẹ che chở và bao bọc, bình yên. Nhưng những người cha không nói yêu con bao giờ. Họ thể hiện qua hành động. Một người cha đã ăn chọn cái chết để không ăn vào tiền của con (lão Hạc), một người cha đã dành cả cuộc đời, công việc và tâm hồn cho đứa con bị bệnh máu trắng nhưng rồi vẫn quyết định rời xa con khi biết sự sống của mình đã cạn (người bố của Dawn trong “Bố con cá gai”). Hay đó là tình vợ chồng sắt son, đồng lòng:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”
“Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”
Có vợ có chồng, có sự đồng lòng và chung sức, những đói nghèo, khó khăn cũng đâu thể ngăn cản họ đến được với hạnh phúc. Hạnh phúc rất giản đơn và bình dị.
Những tình cảm rất đỗi quen thuộc trong đời thường, qua lớp men tráng của nhà văn, bỗng thật cao đẹp và thiêng liêng.
Văn học là tình thương, đó là tình yêu thương dành cho những người thân thương xung quanh chúng ta. Sự giúp đỡ, sẻ chia của ông giáo với lão Hạc, của bà hàng xóm với gia đình chị Dậu, là cùng nhau vượt qua khó khăn:
“Năm giặc đốt nhà cháy tàn cháy lụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụiĐỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”.
(“Bếp lửa”- Bằng Việt)
Văn học là tình thương, không chỉ là “thương người như thể thương thân” nữa mà là lẽ sống “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Đó là khi ta thấy mình nhỏ nhoi trước chiếc lá cuối cùng kia. Sự sống của người họa sĩ già để đổi lấy màu xanh trên tường của lá, đổi lấy một mầm xanh đang đợi tàn úa. Là khi ta tự hỏi sao một con mèo có thể yêu thương và che chở cho con hải âu khác loài với mình? Như tác giả “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”- Luis Sepúlveda đã viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn…” Đó là cách Nguyễn Trãi đã thể hiện tinh thần Đại Việt không phải sức mạnh đao binh để thắng đến cùng mà là hành động cấp thuyền, cấp ngựa cho quân Minh về nước.
Đó mới chính là tình yêu thương thực sự. Khi đó, trên những trang giấy không chỉ là con chữ vô hồn mà còn là những giọt nước mắt, là hạt ngọc để thanh lọc tâm hồn ta trong sạch hơn, cao đẹp hơn.
Nhưng văn học không chỉ nói về niềm vui mà còn có những giọt nước mắt lóng lánh ở đời. Văn học viết về cái xấu, cái ác mà vẫn hướng con người tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Khi những câu hát than thân cất lên sao mà da diết lòng người nghe:
“Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”
Là sự oán hận của con người trước thế lực phong kiến đen tối, thương thay cho thân phận những kiếp người “tài hoa bạc mệnh” để cất lên:
“Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”
(Tố Hữu)
Với những trang văn hữu hình, những con chữ nhỏ bé mà gợi được cái vô hình bao la. Đọc những trang văn, ta tách dần phần con để bước gần hơn với phần người, để sống NGƯỜI hơn, sống thật với những giá trị của mình.
Bài văn nghị luận số 5
Đại văn hào Nga M. Gorki từng nói: “Văn học là nhân học”. Học tập và tìm hiểu giá trị văn chương đích thực là chúng ta đang học làm người. Cái đẹp nhất làm nên giá trị cao nhất của con người chính là tấm lòng yêu thương và lòng nhân ái, nhân đạo. Văn chương của dân tộc nào cũng đề cao lẽ sống yêu thương và căm thù bọn bất nhân chà đạp lên quyền sống của con người. Và văn học dân tộc Việt Nam đã luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê bình những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.
Từ xa xưa những đạo lý truyền thống của dân tộc đã được kết tinh với hội tụ ở các tác phẩm văn học. Và văn học chính là tác phẩm sử dụng ngôn từ để thể hiện cuộc sống. Các nhà văn, nhà thơ thông qua những tác phẩm của mình để gửi gắm những tư tưởng, bài học, đạo lý tốt đẹp mà một trong số đó chính là tình yêu thương con người. Tình thương người là một trong những đức tính của con người xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim con người, không mưu toan, vụ lợi, đó là sự sẻ chia, đồng cảm cho những số phận đau khổ hay hoàn cảnh éo le cả về vật chất và tinh thần. Tình yêu thương trong văn học được sử dụng phong phú sinh động.
Nói văn học luôn ca ngợi lòng nhân ái và tình yêu thương giữa người với người quả không sai. Từ xa xưa tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng được nói nhiều trong văn học. Hình ảnh chú bé Hồng trong “Những ngày thơ ấu” đã cho chúng ta thấy rằng tình mẫu tử là nguồn thiêng liêng và kỳ diệu, là sợi dây bền chặt không thể chia cắt được. Cha mất sớm, mẹ phải đi tha phương cầu thực, em phải sống trong cảnh mồ côi, chịu cảnh hành hạ của bà cô, ấy vậy mà em rất yêu thương và kính trọng mẹ. Không để những rắp tâm tanh bẩn của bà cô làm nhu mờ, Hồng đã bảo vệ mẹ bằng một trái tim nồng ấm, khao khát yêu thương. Ngoài tình mẫu tử, trong tình cảm gia đình còn cho ta thấy một tình cảm vô cùng đẹp đẽ không kém – tình vợ chồng. Chị Dậu trong “Tắt đèn” trong cơn nguy biến vẫn ân cần chăm sóc chồng, dành cho anh Dậu những cử chỉ yêu thương. Sự quan tâm, chăm sóc của chị như hơi ấm làm hồi sinh nguồn sống tưởng như đã gục đi trong anh Dậu. Và chị Dậu còn liều mình đánh lại tên cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ anh Dậu khỏi những đòn roi vọt. Đọc “Cuộc chia tay của những con búp bê”, ta cũng rưng rưng trước tình anh em của Thành và Thuỷ. Trước khi chia tay, Thủy đã đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ và nói với Thành không được để chúng xa lìa nhau. Có lẽ đó cũng chính là hiện thân của tình anh em thắm thiết, ngọt ngào.
Cao hơn thế, văn học dân tộc cũng đã phản ánh tình cảm quân dân gắn bó thân thiết. Đó là mối quan hệ gần gũi gắn bó giữa Trần Quốc Tuấn với các tướng sĩ dưới quyền như tình phụ tử, huynh đệ. Mối quan hệ đó là sự yêu thương sâu nặng, bao dung, chia sẻ không phân biệt chủ tướng và tì tướng. Với Nguyễn Trãi, tình quân dân là niềm tin chiến thắng:
“Tướng sĩ một lòng phụ tửHòa nước sông chén rượu ngọt ngào”
Còn Tố Hữu là tình đồng đội mộc mạc, chân thành:
“Thương nhau chia củ sắn lùiBát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”.
Từ tình yêu thương con người, tình đoàn kết giữa các quân sĩ, đồng đội đã trở thành một cái tình lớn hơn: tình yêu quê hương đất nước. Như vậy văn học dân tộc đã hình thành và bồi dưỡng cho con người những tình cảm, đạo lí, lẽ sống tốt đẹp.
Song bên cạnh bài ca ngợi những con người “thương người như thể thương thân”, văn học dân tộc cũng nghiêm khắc phê phán những kẻ ích kỷ, vô lương tâm. Đáng sợ hơn là những người cạn tình máu mủ, ruột rà. Điển hình tiêu biểu là nhân vật bà cô trong “Những ngày thơ ấu” – một người độc ác nham hiểm giết người không dao. Thay vì yêu thương, bù đắp cho những thiệt thòi mà đứa cháu ruột mình thì bà ta lại nói xấu mẹ bé Hồng trước mặt em. Nó đau và buốt như những nhát dao găm cào xước trái tim non nớt lúc nào cũng chực trào nước mắt của bé Hồng. Đồng thời sự phê phán ấy cũng là lời trách trời cao trước sự tàn ác bất nhân của giai cấp thống trị. Đó là tên cai lệ và người nhà lí trưởng trong “Tắt đèn” chỉ hung hăng, hống hách, thẳng tay đánh lại những người phụ nữ chân yếu tay mềm chị Dậu để chực xông ra và bắt trói anh Dậu đang như một cái xác không hồn. Đó lấy cái thái độ dửng dưng vô trách nhiệm của tên quan phụ mẫu trong “Sống chết mặc bay”, trong cảnh nguy cấp con dân đang khẩn trương đắp đê thì quan phụ mẫu ung dung ngồi trong đình cao để đánh tổ tôm, không quan tâm đến nhân dân. Để rồi khi quan ù ván bài lớn cũng là lúc đê đã vỡ, nước ngập mênh mông, người sống không nơi ở, kẻ chết không nơi chôn.
Như vậy, văn học bồi dưỡng cho con người những tình cảm cao đẹp để chúng ta biết yêu thương, biết sẻ chia đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Xã hội sẽ hơn đẹp hơn khi có những tấm lòng nhân ái. Đồng thời văn học không không ngần ngại chỉ ra lối sống ích kỷ, tàn nhẫn, vô cảm của người đời để từ đó chúng ta biết lên án, đấu tranh. Văn học đã gửi tặng để chúng ta một bức thông điệp kỳ diệu: hãy dâng tặng tình yêu thương cho mọi người, ta cũng lại được đón nhận nó.
Văn học và tình thương luôn đồng hành tạo nên giá trị đích thực cho tác phẩm đồng thời khiến cuộc sống con người trở nên phong phú và ý nghĩa hơn, giúp con người vươn tới chân – thiện – mỹ, hoàn thiện nhân cách mình. Và ở bất kỳ thời đại nào, giá trị văn chương lớn lao nhất vẫn là “gây cho ta những tình cảm ta không có luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.
Bài văn nghị luận số 6
Tương thân tương ái là một đạo lý cao đẹp, là truyền thống của người Việt Nam chúng ta. Truyền thống ấy được thể hiện thông qua nhiều những câu ca dao, tục ngữ chẳng hạn như “lá lành đùm lá rách”. Tình thương giữa con người với con người vì thế mà được đề cao. Trong văn học, tình thương cũng luôn được nhắc tới như một lẽ tất yếu. Con người quả thực chẳng thể nào sống mà không có tình thương.
Khởi nguồn của văn học với những truyền thuyết, chúng ta đã biết đến dân tộc Việt Nam được sinh ra từ cái bọc trăm trứng. Như vậy, tất cả chúng ta đều là anh em một nhà mà đã là anh em một nhà thì cần phải yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Sau này, để tiếp tục cho người đời sau hiểu về tình thương giữa con người với nhau thì người xưa lại tiếp tục đúc kết lại thành những câu ca dao. Rồi tiếp sau đó là những mẩu truyện ngắn, những tác phẩm văn chương đặc sắc.
Khi nói về tình cảm giữa anh em trong một nhà, chúng ta có thể nhớ đến ngay câu ca dao: “Anh em như thể tay chân, Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Câu ca dao nói về sự gắn bó khăng khít giữa anh em trong một gia đình giống như tay với chân nên cần phải biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Thậm chí ngay cả với những người không cùng chung huyết thống như đều là anh em trong một nước thì cũng cần phải đoàn kết thương yêu nhau như câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hay như câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” cũng là ý nói người dân sống trong cùng một đất nước thì phải biết thương yêu lẫn nhau.
Sau này, những tác phẩm văn chương lớn hơn cũng xoay quanh tình thương của con người. Văn chương thể hiện tình thương mà trước hết đó là tình cảm giữa những con người trong gia đình. Đọc Những ngày thơ ấu, chúng ta thấy được tình mẫu tử thiêng liêng giữa bé Hồng và mẹ của mình. Mẹ, người đã sinh thành ra chúng ta, chỉ một tiếng gọi ấy thôi cũng đủ khiến cho bao người phải xúc động. Ngay cả khi mẹ của cậu phải bỏ lại cậu để đi tha hương cầu thực thì tình yêu mà bé Hồng dành cho mẹ cũng không bao giờ nguôi. Cậu bé yêu mẹ, thương mẹ và kính mẹ.
Cùng với tình mẫu tử, văn chương cũng ca ngợi tình cảm vợ chồng. Người xưa có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” cho ta thấy sức mạnh của tình nghĩa vợ chồng lớn đến nhường nào. Trong văn học, ta cũng thấy được có những mối tình vợ chồng sâu đậm, khăng khít. Chẳng hạn như tình cảm của chị Dậu dành cho chồng của mình. Là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng khi thấy chồng bị đánh, chị đã dám lao mình vào để bảo vệ chồng. Hành đồng ấy của chị mới cao đẹp làm sao.
Một thứ tình cảm nữa không thể không nhắc đến là tình cảm của anh em trong một nhà như trong câu chuyện Cuộc chia tay của những con búp bê. Ngay cả những con búp bê cũng không nỡ xa nhau mà hai anh em Thành và Thuỷ lại phải chia ly. Thật khiến cho người đọc xúc động biết bao.
Rồi thì tình làng nghĩa xóm cũng được ca ngợi nhiều trong văn học. Người xưa có câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” hay “bán anh em xa mua láng giềng gần” ý nói những người sống gần gũi với nhau thì nên giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn. Chính những lúc khó khăn chúng ta mới thấy rằng người bên cạnh mình là người quan trọng nhất. Tuy không phải là anh em mà lại gần gũi hơn cả anh em.
Qua những dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể thấy rằng văn học và tình thương gần như là một. Văn học là sự phản ánh của tình thương. Văn học cho con người ta nhìn thấy tình thương, xích người ta lại gần với nhau hơn. Nhờ có văn học, tâm hồn của con người mới được rộng mở. Từ ấy, chúng ta biết yêu, biết thương và biết trân trọng cuộc đời này.
Bài văn nghị luận số 7
Nhà phê bình Hoài Thanh trong văn bản “Ý nghĩa văn chương” từng viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”. Nhận định ấy đã nêu lên những tác động cơ bản của văn học đối với tình cảm con người. Không dừng lại ở đó, giữa văn học và tình thương còn có những mối quan hệ sâu sắc.
M.Gooc-ki đã nói “Văn học là nhân học”. Đối tượng mà văn học hướng đến là con người với “chữ người được viết hoa”. Có nghĩa là, văn học hướng về, đề cao, ca ngợi và bồi đắp “chữ người viết hoa” ấy mọi thời đại để nó ngày một đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Và trong rất nhiều nét đẹp của chữ viết hoa ấy phải kể đến tình thương, lòng nhân ái. Bởi thế ta thấy có sự đồng nhất giữa văn học và tình thương. Tình thương vốn là một trong những đức tính của con người. Nó xuất phát từ tấm lòng, trái tim mỗi con người. Nó mang tính hướng thiện, nhân đạo và nhìn sự việc bằng sự gắn bó với những tư tưởng hay giá trị đạo đức được xã hội công nhận. Là cơ sở gắn kết những mối quan hệ xung quanh, làm cho khoảng cách giữa con người gần hơn. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam ta luôn đề cao tư tưởng nhân ái, một đạo lí cao đẹp, truyền thống “lá lành đùm lá rách” cũng được phát huy qua nhiều thế hệ. Những tình cảm cao quý ấy được kết tinh, hội tụ và phản ánh qua những tác phẩm văn học dân tộc.
Nói văn học luôn ca ngợi lòng nhân ái và tình yêu thương giữa người và người quả không sai. Từ xưa trong văn học dân gian các cụ đã đề cao tình yêu thương con người. Ai trong chúng ta cũng thuộc lòng những câu ca dao như:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Hoặc câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Rồi truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” giúp ta hiểu rõ hơn về từ “đồng bào”. Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã sinh ra một trăm trứng và nở ra trăm con, năm mươi người con xuống biển sau này trở thành người miền xuôi, còn năm mươi người con khác lên núi sau này trở thành các dân tộc miền núi. Trước khi đi, Lạc Long Quân có dặn Âu Cơ rằng: sau này có gì khó khăn thì giúp đỡ nhau. Điều đó, cho thấy người xưa còn nhắc nhở con cháu phải biết thương yêu, đoàn kết, tương trợ nhau. Ta còn bắt gặp rất nhiều những câu chuyện về lòng yêu thương, tư tưởng nhân đạo của dân tộc trong văn học dân gian qua hình ảnh chàng Thạch Sanh đại diện cho chính nghĩa, hiền hậu, vị tha, dũng cảm, sẵn sàng tha thứ cho mẹ con Lý Thông, người đã bao lần tìm cách hãm hại mình. Rồi khi mười tám nước chư hầu kéo quân sang đánh Thạch Sanh nhằm cướp lại công chúa, chàng đã sử dụng cây đàn thần của mình để thức tỉnh binh lính, làm cho binh lính lần lượt xếp giáp quy hàng mà không cần động đến đao binh. Chàng lại mang cơm thiết đãi họ trước khi rút về nước. Ta còn biết đến một cô út dũng cảm làm vợ chàng Sọ Dừa kì dị. Câu chuyện về bông cúc trắng, bông hoa của tình yêu thương mãnh liệt đã làm nên điều kì diệu trong cuộc sống. Còn biết bao câu ca, câu chuyện thấm đẫm tình thương trong văn học dân gian ta không thể nào kể hết.
Đọc văn học trung đại ta lại thấy sự tiếp nối làm đẹp truyền thống đó. Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi với tư tưởng nhân đạo cao cả:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”
Chính là tư tưởng xuyên suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta cũng từng đọc Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và hẳn vẫn giữ Truyện Kiều trong đáy sâu thẳm tâm linh, để luôn tự mình được trăn trở, chiêm nghiệm. Truyện Kiều, không chỉ là bản cáo trạng tội ác của bọn quan lại phong kiến, còn là một quyển kinh về tình thương. Tình thương cha, tình thương mẹ, thương chị em ruột thịt, thương người… như thể thương thân của nàng Kiều, đã in dấu ấn rất rõ tình thương mênh mông… của thi hào Nguyễn Du với thân phận những người phụ nữ.
Đến văn học hiện đại ta lại bắt gặp tình yêu thương rất con người đó. Hình ảnh cậu bé Hồng trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu”, đã cho chúng ta thấy rằng: “tình mẫu tử là nguồn thiêng liêng và kì diệu, là mối dây bền chặt không gì chia cắt được”. Cậu bé Hồng phải sống trong cảnh mồ côi, chịu sự hành hạ của bà cô, cha mất, mẹ phải đi tha hương, ấy vậy mà cậu không hề oán giận mẹ mình, ngược lại vô cùng kính yêu, nhớ thương mẹ. Câu chuyện đã làm rung động biết bao trái tim của độc giả. Không chỉ phản ánh tình mẫu tử, văn học còn cho ta thấy một tình cảm vô cùng đẹp đẽ, sâu sắc không kém, đó là tình cảm vợ chồng. Tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Nhân vật chị Dậu được tác giả khắc họa thành một người phụ nữ điển hình nhất trong văn học hiện thực Việt Nam. Chị là một người vợ thương chồng, yêu con, luôn ân cần, nhẹ nhàng chăm sóc cho chồng dù trong hoàn cảnh khó khăn, nguy khốn. Chị Dậu đã liều mình: đánh trả tên người nhà lí trưởng để bảo vệ cho chồng, một việc mà ngay cả đàn ông trong làng cũng chưa dám làm. Đọc truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” ta rưng rưng cảm động khi chứng kiến cảnh anh em Thành và Thủy chia tay nhau đầy nước mắt. Tác giả muốn gửi đến chúng ta thông điệp về tình cảm và sự gắn bó giữa anh em với nhau trong gia đình mà các cụ xưa đã từng đúc kết:
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
Bên cạnh việc ca ngợi những con người “thương người như thể thương thân”, văn học cũng phê phán những kẻ ích kỉ, vô lương tâm. Trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, chúng ta sẽ thấy được thái độ căm ghét của mọi người đối với mẹ con Cám. Cái chết ở cuối câu chuyện đã lên án gay gắt: những kẻ ác phải bị trừng phạt. Đáng ghê sợ hơn nữa là những người cạn tình máu mủ. Điển hình là nhân vật bà cô trong truyện “Những ngày thơ ấu”, một người độc ác, nham hiểm “giết người không dao”. Bà ta nói xấu, sỉ nhục mẹ bé Hồng trước mặt bé, đứa cháu ruột của mình, đứa cháu mồ côi tội nghiệp lẽ ra bà phải yêu thương để bù đắp lại những mất mát mà bé phải hứng chịu. Hay trong tiểu thuyết “Tắt đèn”, nhà văn Ngô Tất Tố đã cho chúng ta thấy sự tàn ác, bất nhân của tên cai lệ và người nhà lí trưởng. Chúng thẳng tay đánh đập những người thiếu sưu, đến những người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị Dậu mà chúng cũng không tha. Rồi ông quan trong “Sống chết mặc bay” tiêu biểu cho tầng lớp thống trị, quan lại ngày xưa. Trong cảnh nguy cấp, nhân dân đội gió, tắm mưa cứu đê thì quan lại ngồi ung dung đánh tổ tôm. Ngay cả khi có người vào báo đê vỡ hắn vẫn thét lính đuổi ra và khi quan lớn ù ván bài to thì cũng là lúc cả làng ngập nước, nhà cửa lúa má bị cuốn trôi hết, tình cảnh thật thảm sầu. Chính sự việc cao trào đó đã lên án gay gắt tên quan hộ đê, hay chính là đại diện cho tầng lớp thống trị, dửng dưng trước sinh mạng của biết bao người. Văn học không chỉ viết về tình thương, ca ngợi tình thương. Văn học còn khơi dậy tình thương trong lòng chúng ta, muốn chúng ta sẻ chia, cảm thông với những con người bất hạnh. Không ai dửng dưng, cầm lòng khi đọc truyện “Cô bé bán diêm” tội nghiệp và cảnh cô bé chết trong đêm giao thừa lòng thầm hỏi trong cuộc sống này còn bao người sẽ chết như thế trước sự thờ ơ đến vô cảm của người đời? Cũng bao lần ta nhỏ lệ khi đọc đoạn trích “Một cảnh mua bán” trong Tắt đèn khi Ngô Tất Tố kể về cái Tí với bát cơm thừa của chó nhà Nghị Quế. Ta cũng chẳng thể dửng dưng trước nỗi truân chuyên của người con gái tài sắc Thuý Kiều mà Nguyễn Du đã bao lần nhỏ lệ khóc thương trong tác phẩm của mình. Rồi cảnh anh em Thành Thuỷ chia tay cùng những con búp bê làm lòng ta nhói đau khi chứng kiến những bất hạnh của tuổi thơ và nỗi bất hạnh mà các em phải gánh chịu quá sớm. Từ việc khơi dậy tình yêu thương ấy, văn học gửi đến chúng ta thông điệp: Hãy dâng tặng tình yêu thương cho mọi người, ta lại cũng được đón nhận nó.
Văn nghị luận: Văn học và tình thương luôn đồng hành tạo nên giá trị đích thực cho mỗi tác phẩm đồng thời giúp con người vươn tới chân – thiện – mĩ, hoàn thiện nhân phẩm và nhân cách con người. Và ở bất kì thời đại nào, giá trị lớn lao nhất của văn chương vẫn là “gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.
Qua những bài trên đây, chúng ta có thể thấy rằng văn học và tình thương gần như là một. Văn học là sự phản ánh của tình thương. Văn học cho con người ta nhìn thấy tình thương, xích người ta lại gần với nhau hơn. Nhờ có văn học, tâm hồn của con người mới được rộng mở. Từ ấy, chúng ta biết yêu, biết thương và biết trân trọng cuộc đời này.