Top 8 Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh hay nhất

Một thập kỷ trước, khi các thiết bị thông minh ra đời, bắt đầu một trang mới trong tương tác của con người. Tiếp nối đó là sự ra đời của chiếc Smartphone (điện … xem thêm…thoại thông minh) càng làm cho đời sống thay đổi, nó trở thành một công cụ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Tiện ích của Smartphone thì không phải bàn tới nhưng lạm dụng và sử dụng không đúng mục đích nhất là đối với học sinh thì lại là vẫn đề cần hiểu thấu đáo và điều chỉnh. Mời các bạn tham khảo một số bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh hay nhất mà Blogthoca.edu.vn đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 1

Hiện nay, có thể nói điện thoại di động là vật bất ly thân của hầu hết các bạn học sinh. Bởi những công năng liên lạc, giải trí mà nó mang lại thật hữu ích, tiện lợi, nhanh chóng và thu hút. Như vậy, các bạn học sinh có thể sử dụng nó mọi lúc mọi nơi, kể cả trong giờ học được không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Trong lúc thầy cô đang say sưa giảng bài thì bỗng dưng tiếng chuông điện thoại vang lên: reng reng … Như một phản xạ tự nhiên thầy cô sẽ ngưng giảng, nhìn về phía phát ra âm thanh. Rõ ràng điều này đã làm gián đoạn mạch cảm xúc, tư duy của thầy cô giáo, làm bài giảng phải ngưng lại và làm ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp đang chăm chú theo dõi bài học. Kết luận thứ nhất: Việc sử dụng điện thoại trong giờ học làm gián đoạn sự học của mọi người và làm đứt mạch giảng bài của thầy cô giáo.

Khi bạn đang theo dõi bài học, thì giật mình vì điện thoại reo lên: reng reng … Bạn sẽ phải bắt máy, rồi xin phép thầy cô ra ngoài. Điều này vô tình làm bạn không theo kịp nhịp bài học, bởi sau khi bạn quay vào lớp thì thầy cô đã giảng sang phần khác rồi.

Nhiều bạn để điện thoại ở chế độ rung hoặc chế độ im lặng trong tiết học, nhưng một lúc lại mở lên xem có ai nhắn gì không? Điều này vô tình làm bạn mất tập trung, tâm trí phân hai nên việc theo dõi bài giảng của thầy cô không thông suốt. Do đó việc tiếp thu bài của bạn bị hạn chế, nhiều lúc ngơ ngác không hiểu thầy cô đang nói gì.

Với một số điện thoại thông minh (smart phone) có thể kết nối internet và mạng xã hội như facebook, G+, … càng làm cho bạn mất thời gian vào những chuyện online hơn nữa. Thậm chí có bạn còn đeo tai phone nghe nhạc, xem phim, quay phim, chơi game, … trong giờ học và xem đó như một mốt thời thượng. Thay vì chú tâm vào bài giảng của thầy cô, bạn lại say sưa với những trò giải trí trên điện thoại, còn tâm trí đâu mà học với hành nữa.

45 phút trôi qua rất nhanh chóng, chỉ vài bài nhạc hay vài level trong trò chơi là hết một tiết học. Do đó, trong giờ học các bạn nên tắt nguồn điện thoại để toàn tâm, toàn ý chăm chú lắng nghe thầy cô truyền thụ kiến thức, chỗ nào không hiểu phải hỏi lại ngay. Có như thế tiết học của bạn mới đạt hiệu quả cao.

Cha mẹ của bạn làm việc rất vất vả mới có đủ tiền để nuôi và đóng học phí cho bạn đến trường. Hãy trân trọng những đồng tiền do cha mẹ bạn làm ra, cũng như trân trọng những giọt mồ hôi cực khổ, nhọc nhằn của cha mẹ bạn vậy. Ngay cả cái điện thoại của bạn đang sử dụng cũng là công sức không nhỏ của cha mẹ mới có thể mua được cho bạn đấy.

Đừng lãng phí thời gian, bởi vì thời gian là vàng bạc – rất quý giá. Đừng lãng phí tiền bạc, bởi làm ra đồng tiền không hề dễ dàng. Nghề nghiệp sau này của bạn như thế nào đều phụ thuộc vào những giờ học trên lớp của bạn đó – Đừng để điện thoại huỷ hoại tương lai của mình các bạn nhé!

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 2

Xã hội ngày càng phát triển và hiện đại hơn. Con người cũng có điều kiện được tiếp cận với những thiết bị công nghệ hiện đại sớm hơn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thế nhưng, tình trạng trẻ em hiện nay đang trở thành những con nghiện sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính lại là một vấn đề đáng báo động và cần có phương pháp khắc phục kịp thời.

Điện thoại thông minh hay còn gọi là smartphone, là thiết bị di động không chỉ dùng để liên lạc gọi điện hay nhắn tin mà còn chứa nhiều ứng dụng trò chơi giải trí khác nhau. Nghiện sử dụng điện thoại thông minh là hiện tượng con người bỏ quá nhiều thời gian để tiếp xúc với điện thoại mà quên đi những hoạt động thực tế ngoài cuộc sống. Đặc biệt hơn, hiện tượng này đang bùng phát ở trẻ nhỏ.

Thực tế có thể thấy, rất nhiều đứa trẻ hiện nay ra đường đã được bố mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh để xem phim hay chơi các trò chơi. Rất nhiều trẻ nhỏ chỉ từ 4 đến 5 tuổi đã biết sử dụng một số ứng dụng trên điện thoại như youtube hoặc các ứng dụng trò chơi khác nhau. Nhiều trẻ nhỏ chỉ cần có trong tay chiếc điện thoại là sẵn sàng ngồi một góc xem cả ngày không biết chán. Chỉ cần rời điện thoại ra là khóc mếu đòi bố mẹ lấy lại ngay. Vì thế mà phương pháp bố mẹ dỗ con cái bằng cách đưa điện thoại đang tăng nhanh đến chóng mặt.

Việc biết sử dụng điện thoại thông minh có hai mặt của nó. Bên cạnh mặt tích cực là giúp cho trẻ phát huy trí não tốt, tiếp cận được với công nghệ hiện đại mới thì mặt hại lại nhiều hơn gấp nhiều lần. Việc trẻ nhỏ nghiện sử dụng điện thoại thông minh về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, đặc biệt là đôi mắt và não bộ. Tiếp xúc quá lâu với màn hình điện thoại sẽ khiến cho mắt của bé bị mỏi và tổn thương. Sóng điện thoại có những tác động tiêu cực tới não bộ cũng như bộ phận sinh dục của bé. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà nghiện điện thoại thông minh còn có tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Chúng dành phần nhiều thời gian của mình để tiếp xúc với điện thoại nên gần như mất liên kết với thế giới thực tế bên ngoài và bố mẹ. Nhiều trẻ trở nên trầm cảm, khó gần. Nhiều trẻ lại mắc phải chứng tăng động, dễ cáu gắt và khó nghe lời hơn rất nhiều. Sự phát triển của trẻ không được toàn diện. Có rất nhiều trường hợp bố mẹ thấy tính cách con thay đổi mang đến bác sĩ thì đã quá trễ bởi trẻ rơi vào chứng trầm cảm quá lâu.

Việc nghiện điện thoại thông minh không thể trách các bé vì chúng chưa đủ trưởng thành để nhận thức được hết mối nguy hại từ hành động đó của mình. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc nuông chiều con cái của các bậc phụ huynh. Họ sử dụng điện thoại như một công cụ để dỗ dành con cái. Họ mải mê công việc và thiếu sự quan tâm cần thiết tới trẻ nhỏ. Thấy trẻ nhỏ suốt ngày ôm điện thoại cũng không có biện pháp ngăn cấm. Một nguyên nhân khác nữa đến từ những người xung quanh. Chính họ cũng là những con nghiện điện thoại di động để rồi trẻ nhỏ nhìn thấy và bắt trước theo….

Từ mối nguy hiểm tiềm tàng ấy đối với trẻ nhỏ, chúng ta cần có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, giúp các bé có cuộc sống lành mạnh hơn. Mỗi người hãy là những tấm gương để cho trẻ học tập. Chúng ta chỉ nên sử dụng điện thoại khi cần thiết, giao tiếp và gặp gỡ với nhau nhiều hơn tạo nên sự gắn kết hơn. Bố mẹ cần quan tâm tới con cái nhiều hơn và biết cách giáo dục trẻ một cách hợp lý. Thay vì việc lao đầu vào công việc để bé tự chơi với điện thoại thì hãy dành cho con những khoảng thời gian nhất định, để chơi với bé, đưa bé tham gia những hoạt động mà bé yêu thích. Có như vậy, trẻ mới hòa nhập được với cuộc sống và có được sự phát triển toàn diện hơn.

Sử dụng điện thoại thông minh nói riêng và các thiết bị công nghệ hiện đại là một điều tốt, nhưng hãy biết hướng dẫn con cái cách sử dụng chúng để trở thành những thiên tài chứ đừng biến chúng trở thành nô lệ, những cỗ máy di động.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 3

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, điện thoại di động ngày càng trở thành một công cụ liên lạc giải trí không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Đối với độ tuổi từ 25 trở lên, thậm chí nhỏ tuổi hơn có thể nói rằng trung bình mỗi người sở hữu cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Vì vậy, vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh hiện nay đang là một vấn đề mà cả xã hội quan tâm bởi những hệ lụy của nó là không hề nhỏ.

Điện thoại di động là phương tiện liên lạc và giải trí phổ biến nhất hiện nay. Với những chức năng tiện dụng và hấp dẫn, hầu như tất cả học sinh hầu như ngày ngày đều sử dụng điện thoại để nhắn tin, lên Facebook, nghe nhạc, xem phim…Chỉ cần 2 đến 3 triệu đồng là bố mẹ có thể mua cho con mình một chiếc điện thoại thông minh, điều đó bây giờ không quá khó. Với những gia đình có điều kiện về kinh tế thì việc trang bị điện thoại di động công nghệ cao có nhiều chức năng quay phim, kết nối internet là “chuyện nhỏ”. Việc dễ dàng có được một chính điện thoại chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh hiện nay.

Vấn đề sử dụng điện thoại ở học sinh hiện nay chúng ta quan tâm hàng đầu là các bạn học sinh dùng điện thoại vào mục đích gì? Khi trả lời câu hỏi các em dùng điện thoại vào việc gì, nhiều em hồn nhiên trả lời: tất nhiên chúng em liên lạc với gia đình, bạn bè, trao đổi với thầy cô giáo. Nhưng thực tế điều đó chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều mục đích của các em khi sử dụng điện thoại. Bởi mỗi ngày các em đến trường trong vòng 4 tiếng đồng hồ, chủ yếu để học bài và tiếp thu kiến thức trên lớp; buổi trưa lại về gia đình. Thời gian đó cần gì phải liên lạc nhiều với bạn bè, gia đình nữa đâu.

Vậy thực tế các em dùng điện thoại chỉ với mục đích giải trí là chính. Có nhiều em trong lớp học không chú ý nghe giảng mà chỉ tập trung nghe nhạc hoặc nhắn tin cho bạn hết cả tiết. Điều này dẫn đến sự mất tập trung trong giờ học và lượng kiến thức đạt được. Người viết bài này đã không ít lần khi đang say sưa giảng bài trên lớp, chợt một điệu nhạc chuông vang lên khiến cả lớp mất tập trung, cô giáo lại phải dừng lại nhắc nhở dẫn đến cắt ngang mạch cảm xúc, làm giảm hiệu quả của tiết dạy. Đó là chưa kể cá biệt có em còn xem phim trong lớp học. Mà không phải chỉ xem một mình: các em cùng bàn túm năm tụm ba xem, không để ý đến lời cô giáo giảng.

Thậm chí xem những phim có nội dung thiếu lành mạnh, đồi trụy ảnh hưởng đến nhân cách của tuổi mới lớn.Gần đây, nhiều em còn có “trò đùa” ác ý bằng cách chụp những bức ảnh ở tư thế hớ hênh khó coi của bạn rồi phát tán lên mạng xã hội. Có những em còn tổ chức “đánh hội đồng” bạn mình rồi quay clip tung lên mạng làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể diện của bạn… dẫn đến hậu quả khôn lường: có bạn vì xấu hổ mà phải bỏ học, hoặc có ý định tự tử sau khi ảnh và clip đã được phát tán khắp nơi trên mạng xã hội. Nhiều em buổi tối ngồi học nhưng 3/4 thời gian tập trung để lướt trên điện thoại di động, nhiều em còn thẳng thắn thừa nhận rằng: không có điện thoại để lướt thì không thể tập trung học hành.

Vấn đề sử dụng điện thoại ở học sinh hiện nay có thể nói là con dao hai lưỡi đối với học sinh. Bên cạnh những lợi ích điện thoại di động mang lại thì ta không thể làm ngơ đến những hệ lụy mà việc sử dụng điện thoại mang lại cho học sinh hiện nay. Sử dụng điện thoại có thể gây nghiện trong học sinh, nhiều học sinh mải mê dùng điện thoại lên facebook mà quên nhiệm vụ học hành, nhiều bạn học sinh lại thức đêm xơ xác đi không phải vì học hành mà để chơi game trên điện thoại, nhiều bạn lại nghiện nhắn tin chat chit yêu đương mà vướng vào việc yêu sớm… Bên cạnh đó, điện thoại là phương tiện đưa các em học sinh đến với những clip nóng, đồi trụy, bạo lực.

Hiện nay, vấn đề sử dụng điện thoại di động không đúng cách ở học sinh đang khiến phụ huynh nhà trường lo lắng. Vì vậy, nhiều người đang dề xuất giải pháp cấm sử dụng điện thoại ở học sinh. Nhưng thực tế, đó không phải là chuyện dễ dàng vì điện thoại bây giờ tràn lan trên thị trường. Trên lớp, thầy cô nên hướng dẫn cho học sinh biết về văn hoá giao tiếp và sử dụng điện thoại. Đặc biệt, trước tình trạng học sinh sử dụng điện thoại di động để quay clip “dằn mặt” bạn rồi tung lên mạng xã hội như hiện nay, nhà trường cần quán triệt các em khi dùng điện thoại tuyệt đối không làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Với cha mẹ học sinh, khi con em mình đang độ tuổi đi học, không nhất thiết phải trang bị điện thoại xịn cho các em. Cũng không nên cho con mang điện thoại đến trường nếu không thật sự cần thiết. Nếu có mua điện thoại cho con, chỉ nên trang bị điện thoại bình thường với mục đích nghe gọi là chính.

Sử dụng điện thoại là một hình thức giao tiếp văn minh vì nó tiết kiệm được thời gian, lại có thể chuyển tải thông tin bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng điện thoại trong học sinh phổ thông tiện dụng ít, rắc rối nhiều, ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của các em. Nó như con dao hai lưỡi khiến các em học sinh còn non trẻ có thể “đứt tay” bất cứ lúc nào, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Không nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học nếu không thực sự cần thiết. Điều này có thể bước đầu sẽ chưa nhận được sự đồng tình tuyệt đối nhưng rất nên như thế, bởi làm vậy sẽ xây dựng được nếp sống văn minh thanh lịch của học sinh nơi học đường, làm giảm thiểu bạo lực học đường và những hậu quả xấu không đáng có, góp phần xây dựng trường học thân thiện như nội dung cuộc vận động gần đây mà ngành giáo dục đã phát động. Làm được như vậy, các em có thể tập trung học hành và có kết quả tốt hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 4

Điện thoại di động là một trong những phương tiện thông tin liên lạc hữu ích với con người hiện nay. Nhiều phụ huynh học sinh đã mua cho con mình một chiếc điện thoại di động thông minh để tiện liên lạc và giúp cho việc học tập của con mình. Nhưng một số học sinh lại sử dụng chưa đúng cách với mục đích chưa tốt. Điện thoại di động là gì?

Điện thoại di động là phương tiện liên lạc giữa mọi người. Một chiếc điện thoại thông minh còn có thể lên mạng, xem phim,… Điện thoại di động rất hữu ích cho con người hiện nay nhưng cũng gây ra rất nhiều cái hại cho con người. Học sinh hiện nay đa số ai cũng có một chiếc điện thoại di động ở bên mình. Cũng vì thế mà nhiều học sinh đã lạm dụng vào nó và sử dụng chưa đúng cách.

Nhiều học sinh còn sử dụng điện thoại di động trong lúc đang học bài trên lớp. Không chú ý nghe thầy cô giảng bài chỉ chú ý đến vào màn hình điện thoại, làm mất kiến thức, không hiểu bài. Làm phiền đến các bạn trong lớp và thầy cô. Thử nghĩ xem, khi thầy cô đang giảng bài, các bạn trong lớp thì đang chăm chú học đột nhiên chuông điện thoại từ đâu phát ra, lúc đó sẽ làm mất tập trung nghe giảng của các bạn trong lớp, làm mất hứng cho thầy cô giảng bài.

Điện thoại còn có khả năng gây nghiện, điên lên nếu không có điện thoại trong tay. Sử dụng điện thoại nhiều dễ lâm vào các chứng bệnh trầm cảm và tự kỉ. Sinh ra các tật xấu như “tật đối phó”, nói với ba mẹ là mình đang học bài nhưng lại đang ngồi chơi điện thoại, chịu học bài và làm bài, chép tài liệu trong điện thoại rồi đến giờ kiểm tra thì mở ra chép. Không lo học chỉ ngồi chơi điện thoại khiến kết quả học tập sa sút làm cho ba mẹ buồn phiền.

Cách tốt nhất để loại bỏ hiện tượng này là phụ huynh không nên mua điện thoại cho con mình khi còn nhỏ. Phụ huynh luôn kiểm soát việc học tập của con mình cũng như việc sử dụng điện thoại. Không những thế, học sinh phải giữ được lập trường của mình. Biết cách sử dụng cho đúng cách, chia thời gian sao cho phù hợp, phù hợp với việc học và chuyện chơi. Chỉ nên chơi khi đã hoàn thành xong bài học của mình.

Nếu thấy bạn mình không lo học mà chỉ lo dành thời gian cho việc chơi điện thoại thì hãy khuyên bạn nên giảm sử dụng điện thoại lại, có thể sử dụng điện thoại vào việc lên mạng tìm kiếm những thông tin bổ ích, kiếm tài liệu để học, tham khảo những bài văn mẫu hay,..

Điện thoại di động có thể giảm căng thẳng cho học sinh, nghe nhạc hay xem phim mỗi khi căng thẳng trong việc học. Nhưng đừng vì thế mà lạm dụng quá nhiều về nó.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 5

Công nghệ đang phát triển với một tốc độ chóng mặt và ngày càng hiện đại. Chỉ một chiếc điện thoại nhỏ xinh cũng có thể tích hợp rất nhiều chức năng tiện dụng, tiên tiến khiến người dùng rất thích thú. Tuy nhiên, quan trọng nhất, điện thoại di động vẫn là một trong những phương tiện thông tin liên lạc hữu ích với con người hiện nay. Thế nhưng, một bộ phận học sinh lại sử dụng nó chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt. Điều này đã để lại rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chính các bạn học sinh, tương lai của đất nước.

Chỉ là một chiếc điện thoại đơn giản mỏng manh nhưng tích hợp rất nhiều chức năng hiện đại. Người dùng có thể chụp hình như một chiếc máy ảnh, nghe nhạc như một chiếc máy mp3, quay phim như một chiếc máy quay và sử dụng nhiều tính năng khác như một chiếc máy tính tiện dụng. Điện thoại di động không chỉ còn dừng ở việc liên lạc nữa mà nó còn là một phương tiện giải trí, lướt web, theo dõi và cập nhật thong tin… Học sinh hiện nay sở hữu điện thoại rất nhiều. Nếu nói về tiếp xúc với điện thoại thì thậm chí những em bé chỉ vài tháng tuổi đã được bố mẹ cho xem, lên vài tuổi là đã bám riết lấy nó để chơi điện tử và xem các chương trình trên youtube. Riêng các bạn học sinh thì có thể coi là đối tượng rành điện thoại còn hơn cả người lớn. Được chiều chuộng, nhiều bạn có những chiếc smartphone xịn xò, đời mới hơn cả của người lớn. Tuy nhiên, rất nhiều bạn lại sử dụng nó chưa đúng cách và không phải với những mục đích tốt.

Có bạn học sinh đòi bố mẹ mua điện thoại bằng được chỉ để có đồ chụp hình đẹp, check in ở mọi nơi. Và quả thật là dù đi đến đâu, làm gì các bạn cũng lôi điện thoại ra để chụp choẹt, sống ảo. Thế rồi thế giới mạng đã lôi kéo các bạn vào một trang khác trong cuộc sống, đắm chìm vào nó. Trong các cuộc hẹn, các buổi nói chuyện, mỗi người đều cúi xuống cái điện thoại di động của mình, cắm mặt vào nó và không quan tâm, để ý gì đến xung quanh. Đặc biệt, các bạn trẻ lại thường sử dụng những ứng dụng để tìm bạn, kết bạn, chat chit điên đảo. Nhiều bạn học sinh không làm chủ được mình, không có những nhận thức đúng đắn về thế giới ảo đã bị lôi léo, lừa lọc vào những hành vi sai trái như bị lừa tiền, bị cướp bóc. Quen nhau qua mạng cũng khiến cho các bạn không hiểu rõ về con người thật của nhau, dễ bị lừa lọc, bị dụ dỗ, xâm hại khi gặp gỡ ngoài đời thực.

Các bạn học sinh lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại di động. Đi học có thể không mang cả sách cả vở nhưng điện thoại thì nhất định phải mang. Thậm chí ngồi cạnh nhau, ngồi trong lớp hay rất gần nhau cũng phải lôi máy ra để nhắn tin. Ăn uống cái gì, gặp tai nạn, đánh nhau phải lôi ngay điện thoại ra chụp ảnh để còn khoe. Có vẻ với các bạn, việc check in ở mọi nơi mới chứng tỏ được bản thân mình là người nhanh nhạy.

Trong lớp, thấy các bạn đều có điện thoại xịn, đẹp vậy là không ít bạn về nằng nặc đòi bố mẹ mua cho mình một cái thật xịn. Có bạn dùng điện thoại chỉ để chơi điện tử, rồi lập cả trang bán hàng, sử dụng phần mềm chỉnh sửa để pr bản thân… Thật là vô vàn thứ hay ho khi có nó.

Chính vì sự lạm dụng điện thoại di động của các bạn học sinh ấy đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì làm gì cũng dán mắt vào điện thoại nên con người dần trở nên xa cách hơn. Khả năng giao tiếp trực tiếp lại suy giảm, các bạn trở nên lúng túng, yếu kém trong giao tiếp. Vốn ngôn ngữ cũng dần mai một vì quen với những từ căn bản, thong dụng vẫn chat chit ngắn gọn hàng ngày rồi. Thay vì gặp gỡ, chuyện trò cùng mọi người, thay vì hoạt động chân tay, thể lực giờ đây các bạn lại ngồi với chiếc điện thoại có cả trăm thứ hay ho. Chính điều này đã khiến con người ngày càng xa cách nhau hơn, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, trở nên trì độn.

Điện thoại di động là hữu dụng, không ai có thể phủ nhận những tính năng và sự tiện dụng của nó. Nhưng hãy là những người sáng suốt, đừng để một chiếc điện thoại điều khiển và thao túng chúng ta. Hãy sử dụng nó đúng chức năng, trong một thời gian nhất định. Mỗi bạn học sinh cần có ý thức, tránh việc lạm dụng điện thoại vào những ứng dụng tối tân của nó mà hãy tập trung vào những việc quan trọng nhất của các bạn hiện tại là học tập, ở bên gia đình, bạn bè của mình.

Bố mẹ cũng nên có những biện pháp thỏa đáng, tránh vì chiều chuộng con mà bỏ mặc con với chiếc điện thoại xịn, điều đó có thể hại chính con trẻ đang trong lứa tuổi phát triển và trưởng thành về nhân cách, đạo đức, ứng xử.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 6

Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế đi lên, nhu cầu giao tiếp liên lạc bằng điện thoại di động ngày càng trở nên cần thiết và phổ biến hơn cả, bởi sự tiện dụng và hữu ích của chúng. Các bậc phụ huynh, phần vì muốn liên lạc với con cái được thuận tiện, phần vì muốn quản lý con cái nên cũng mạnh dạn đầu tư cho con em của mình một chiếc điện thoại nhỏ xinh. Tuy nhiên việc các em học sinh còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức về việc sử dụng điện thoại sao cho hợp lý, dẫn tới tình trạng lạm dụng điện thoại di động, khiến chúng trở nên có hại đối với sự phát triển tâm lý và thể chất của các em.

Điện thoại là một phát minh vĩ đại của loài người, xóa nhòa khoảng cách liên lạc, ngày nay, điện thoại còn được tích hợp nhiều chức năng thông minh, hỗ trợ rất tốt cho cuộc sống, phục vụ các mục đích công việc, học tập, giải trí. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại của nó, đem đến nhiều lợi ích tốt đẹp, nhưng dần dà điện thoại di động cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, đặc biệt là trong thời buổi công nghệ số, thông tin lan truyền một cách chóng mặt. Học sinh là lứa tuổi đang còn hạn chế về cả ý thức lẫn nhận thức, điện thoại di động đối với các em có một sức hấp dẫn khó có thể chối từ, khác hẳn với đống kiến thức đầy ắp ở trường học. Chính vì thế, để thỏa mãn sự tò mò và thích thú, các em học sinh thường gạt bỏ việc học sang một bên để tập trung khai thác, nghịch điện thoại cả trong giờ học.

Các em ham thích việc lướt web bởi đó là một thế giới muôn màu sắc, ham thích việc nhắn tin tán gẫu với bạn bè hơn là đọc sách, nghe giảng, đơn thuần bởi vì nó vui hơn những tiết học khô khan. Cá biệt, điện thoại còn trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các em thỏa sức quay cóp, sao chép những tài liệu có sẵn trên mạng mà không chịu tìm tòi suy nghĩ sáng tạo. Điện thoại di động cũng là nơi cung cấp, đưa vào đầu các em học sinh những suy nghĩ không lành mạnh, đặc biệt là từ mạng xã hội, những thông tin không chính thống, những trang web đen, những văn hóa phẩm đồi trụy dễ xâm nhập vào môi trường học đường. Mà ở lứa tuổi học sinh, tâm sinh lý có những biến đổi khác thường, khiêu khích sự tò mò, dẫn tới những nhận thức lệch lạc và sai trái, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bình thường của tâm lý tuổi vị thành niên.

Nguyên nhân chủ yếu là do xã hội phát triển, nhu cầu liên lạc tăng cao, phụ huynh bận rộn với công việc khó có thể theo sát con mình, nên việc mua sắm điện thoại cho con là để quản lý và liên lạc cho thuận tiện. Một số phụ huynh thì đơn thuần mua điện thoại cho con chỉ vì chiều chuộng con cái thái quá, con đòi hỏi thì cha mẹ đã mềm lòng mà mua ngay cho được, đã thế còn phải là hàng xịn con mới chịu. Việc có điện thoại di động cộng với tâm lý biếng học ham chơi, khiến các em sử dụng điện thoại di động không đúng cách, xem điện thoại là chân lý, là thú vui để trốn tránh việc học tập. Thêm vào đó, việc cha mẹ cho con em sử dụng những chiếc điện thoại có quá nhiều chức năng không cần thiết, trong khi việc cha mẹ muốn và các em cần chỉ đơn thuần là liên lạc với nhau. Sự thừa thãi như vậy mà cha mẹ thì không thể theo sát quản lý, còn các em thì chưa đủ ý thức để nhận biết những cái lợi, cái hại của việc lạm dụng điện thoại di động đã dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Hậu quả đầu tiên phải kể đến đó là tình trạng các em học sinh vì quá đam mê điện thoại mà quên mất việc học hành, sao nhãng trong học tập, gây mất trật tự trong lớp, hổng kiến thức vì không tập trung chú ý nghe giảng,… Từ đó, dẫn tới kết quả học tập yếu kém, cha mẹ không tìm hiểu được nguyên nhân, lại gây áp lực la mắng các em thêm nữa, điều đó càng khiến các em ngày một chìm đắm vào chiếc điện thoại, coi nó là một phần của cuộc sống, cứ luẩn quẩn như vậy rất khó có thể giải quyết được triệt để vấn đề. Việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều còn dẫn đến những vấn đề tiêu cực về sức khỏe, như các tật ở mắt, loạn thị, cận thị, thậm chí gây mù. Quá chú tâm vào điện thoại mà xa rời thực tế, xa rời xã hội cũng là một trong các nguyên nhân gây trầm cảm, mất tập trung, giảm khả năng suy nghĩ sáng tạo, con người trở nên yếu ớt, nhạy cảm với những tác động bên ngoài.

Thêm nữa, chiếc điện thoại di động là nơi cung cấp thông tin tuyệt vời, tuy nhiên nó lại là nguồn với những thông tin không chọn lọc, ở đó có cả những thông tin xấu như bạo lực, các tệ nạn xã hội, các loại văn hóa phẩm đồi trụy, … Với tâm lý hiếu động, tò mò của các em, những nguồn thông tin bẩn như vậy dễ dàng tiêm nhiễm vào trí óc non nớt, khiến các em có những suy nghĩ không lành mạnh, đặc biệt là tâm lý bắt chước những cái xấu. Điều đó làm gia tăng tình trạng phạm tội ở lứa tuổi học sinh, bạo lực học đường, những hành động vượt khỏi chuẩn mực đạo đức, cãi lời cha mẹ thầy cô, tự cho mình là đúng,… Ngoài ra còn có tình trạng học đòi trên mạng, yêu sớm, tình dục không an toàn, để lại những hậu quả khó có thể khắc phục, để lại bóng đen tâm lý nghiêm trọng.

Chúng ta không thể cấm con em mình sử dụng điện thoại, vì dù xét ở khía cạnh nào đi chăng nữa, điện thoại cũng có rất nhiều lợi ích nếu chúng ta sử dụng đúng cách. Việc cần thay đổi ở đây chính là tìm cách giáo dục, thay đổi nhận thức của học sinh, giải thích và hướng dẫn các em sử dụng điện thoại một cách đúng đắn, lành mạnh. Cha mẹ cần quan tâm gần gũi các em nhiều hơn, quản lý nhưng không có nghĩa là xâm phạm vào sự riêng tư, làm thế chỉ khiến các em thêm chống đối. Đối với nhà trường, cần có những biện pháp không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, thường xuyên tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh đến các em, giúp các em có nhận thức rõ ràng, biết lựa chọn nguồn thông tin đúng đắn, tránh xa các loại thông tin xấu.

Với bản thân học sinh chúng ta, cần có ý thức tự giác trong học tập, phân biệt rạch ròi giữa việc chơi và việc học. Sử dụng điện thoại với mục đích đúng đắn, dùng để tra cứu thông tin phục vụ học tập, liên lạc với người thân bạn bè, giải trí lành mạnh. Luôn cố gắng rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, không lãng phí quá nhiều thời gian của bản thân vào những trò vô bổ trên điện thoại, mà nên chăm giao tiếp, tiếp xúc với thầy cô bạn bè, quan tâm đến gia đình cha mẹ, dành thời gian đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn.

Hãy nhớ rằng, điện thoại di động chỉ là công cụ bổ trợ cho cuộc sống thêm tốt đẹp, chúng ta đừng biến nó thành thứ phá hủy cuộc sống của chính mình. Hãy sử dụng điện thoại thông minh một cách thật thông minh và thông thái, chúng ta hãy điều khiển điện thoại chứ đừng để điện thoại điều khiển mình. Tương lai của chúng ta có tươi sáng và rực rỡ hay không chính là nhờ vào nhận thức đúng đắn của chúng ta ngày hôm nay.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 7

Sự phát triển của công nghệ kĩ thuật đem đến cho con người rất nhiều điều bổ ích. Và điện thoại di động chính là một trong những vật dụng không thể thiếu đối với bất cứ ai. Tuy nhiên, việc những bạn học sinh lạm dung điện thoại quá nhiều, hay sử dụng điện thoại sai mục đích mang đến cho bố mẹ, thầy cô nhiều điều trăn trở.

Điện thoại di động là một trong những tiến bộ kĩ thuật vượt bậc mà nhân loại ta được thừa hưởng. Hầu như hiện nay, mỗi người đều có tối thiểu một chiếc điện thoại để phục vụ mục đích liên lạc cá nhân và trao đổi công việc. Ngoài những chiếc điện thoại “củ gạch” với chức năng nghe gọi, hiện còn có nhiều hãng điện thoại với chức năng cao như quay phim, chụp ảnh, kết nối internet…. Giá của mỗi chiếc điện thoại này cũng vô cùng rẻ chỉ khoảng 2-3 triệu đồng. Vì thế, dù gia đình có điều kiện hay không thì cũng cố sắm cho con cái họ một chiếc điện thoại thông minh. Thế nhưng bên cạnh những điều tích cực nó mang lại cho con người vẫn còn đó rất nhiều hệ lụy.

Nếu được hỏi dùng điện thoại để làm gì? Thì các em sẽ chẳng nghĩ ngợi mà trả lời để phục vụ học tập, liên lạc với thầy cô, bạn bè, bố mẹ. Thế nhưng thực tế thì lại không như thế. Cùng với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, những chiếc điện thoại thông minh đang ngày càng “hủy hoại” con người. Mỗi ngày các em có 8 giờ học trên lớp thế nhưng thay vì tiếp thu bài học của thầy cô các bạn học sinh lại dùng nó để giải trí. Việc không tập trung vào bài học dẫn đến các em sẽ bị hổng kiến thức. Chưa kể việc phải dừng lại nhắc nhở học trò phải tắt điện thoại cũng khiến các thầy cô bị cắt mạch cảm xúc, các bạn phân tán sự chú ý. Nhiều trường hợp học trò còn vô tư dùng điện thoại để xem phim, lên mạng xã hội thỏa sức “chém gió” với bạn bè khắp nơi. Điện thoại thông minh với chức năng chụp ảnh quay phim còn khiến các em cho ra đời nhiều bức ảnh tục tĩu, hở hang làm trò câu view, câu like gây nên nhiều hậu quả nặng nề, bóng ma tâm lí cho các bạn thậm chí còn không muốn đến trường vì xấu hổ….

Việc dùng điện thoại thông minh có hai mặt của nó. Bên cạnh những tích cực nó mang đến thì còn đó là những hậu quả nặng nề khiến cho xã hội phải nhức nhối. Những chiếc điện thoại thông minh thường được kết nối internet, nên các em học sinh thay vì nhiệm vụ học hành sẽ dùng thời gian để lên mạng chat chit tình cảm, chơi game online thậm chí là truy cập các hình ảnh bạo lực đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa học đường.

Vậy phải làm gì để hạn chế tình trạng này? Hiện nay, nhà trường cũng đưa ra một số biện pháp răn đe như cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Tuy nhiên thực tế đây là việc vô cùng khó khăn. Thay vì cấm đoán nhà trường thầy cô nên tìm cách để hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại di động sao đúng và hợp lí nhất. Tuyệt đối không dùng với mục đích nhạo báng và xúc phạm nhau bằng những clip nóng, những hình ảnh bạo lực đồi trụy…. Bản thân của các em học sinh cũng cần phải ý thức được việc học tập là quan trọng với mình, sử dụng điện thoại với mục đích phục vụ học tập là chính. Đối với các phụ huynh cần quy định số tuổi để con dùng điện thoại, kiểm soát thời gian cũng như hành vi của con cái khi dùng điện thoại để kịp thời ngăn chặn những hành động đi quá xa.

Điện thoại di động là một phương tiện liên lạc vô cùng hữu ích. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển mà nó còn có khả năng kết nối người với người. Thế nhưng làm cách nào để nó không sai mục đích và ảnh hưởng đế thế hệ trẻ là điều vô cùng nan giải. Vì vậy nó cần nhà trường cùng các bậc phụ huynh phải có biện pháp cứng rắn ngăn chặn hành vi sử dụng điện thoại quá sớm ở học sinh. Bởi có như thế mới có thể giúp các em thực hiện tốt vai trò và sự phát triển tự nhiên của mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn nghị luận xã hội về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh số 8

Điện thoại di động là một công cụ vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Đối với độ tuổi từ hai mươi lăm trở lên, thậm chí nhỏ tuổi hơn có thể nói rằng trung bình mỗi người sở hữu cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Vì vậy, vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh hiện nay đang là một vấn đề mà cả xã hội quan tâm bởi những hệ lụy của nó là không hề nhỏ.

Điện thoại di động là phương tiện liên lạc và giải trí phổ biến nhất hiện nay. Với những chức năng tiện dụng và hấp dẫn, hầu như tất cả học sinh hầu như ngày ngày đều sử dụng điện thoại để nhắn tin, lên Facebook, nghe nhạc, xem phim… Chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ đồng là bố mẹ có thể mua cho con mình một chiếc điện thoại thông minh, điều đó bây giờ không quá khó. Với những gia đình có điều kiện về kinh tế thì việc trang bị điện thoại di động công nghệ cao có nhiều chức năng quay phim, kết nối internet là “chuyện nhỏ”. Việc dễ dàng có được một chính điện thoại chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh hiện nay.

Vấn đề sử dụng điện thoại ở học sinh hiện nay chúng ta quan tâm hàng đầu là các bạn học sinh dùng điện thoại vào mục đích gì? Khi trả lời câu hỏi các em dùng điện thoại vào việc gì, nhiều em hồn nhiên trả lời: tất nhiên chúng em liên lạc với gia đình, bạn bè, trao đổi với thầy cô giáo. Nhưng thực tế điều đó chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều mục đích của các em khi sử dụng điện thoại. Bởi mỗi ngày các em đến trường trong vòng bốn tiếng đồng hồ, chủ yếu để học bài và tiếp thu kiến thức trên lớp; buổi trưa lại về gia đình. Thời gian đó cần gì phải liên lạc nhiều với bạn bè, gia đình nữa đâu.

Vậy thực tế các em dùng điện thoại chỉ với mục đích giải trí là chính. Có nhiều em trong lớp học không chú ý nghe giảng mà chỉ tập trung nghe nhạc hoặc nhắn tin cho bạn hết cả tiết. Điều này dẫn đến sự mất tập trung trong giờ học và lượng kiến thức đạt được. Người viết bài này đã không ít lần khi đang say sưa giảng bài trên lớp, chợt một điệu nhạc chuông vang lên khiến cả lớp mất tập trung, cô giáo lại phải dừng lại nhắc nhở dẫn đến cắt ngang mạch cảm xúc, làm giảm hiệu quả của tiết dạy. Đó là chưa kể cá biệt có em còn xem phim trong lớp học. Mà không phải chỉ xem một mình: các em cùng bàn túm năm tụm ba xem, không để ý đến lời cô giáo giảng.

Thậm chí xem những phim có nội dung thiếu lành mạnh, đồi trụy ảnh hưởng đến nhân cách của tuổi mới lớn.Gần đây, nhiều em còn có “trò đùa” ác ý bằng cách chụp những bức ảnh ở tư thế hớ hênh khó coi của bạn rồi phát tán lên mạng xã hội. Có những em còn tổ chức “đánh hội đồng” bạn mình rồi quay clip tung lên mạng làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể diện của bạn… dẫn đến hậu quả khôn lường: có bạn vì xấu hổ mà phải bỏ học, hoặc có ý định tự tử sau khi ảnh và clip đã được phát tán khắp nơi trên mạng xã hội. Nhiều em buổi tối ngồi học nhưng 3/4 thời gian tập trung để lướt trên điện thoại di động, nhiều em còn thẳng thắn thừa nhận rằng: không có điện thoại để lướt thì không thể tập trung học hành.

Vấn đề sử dụng điện thoại ở học sinh hiện nay có thể nói là con dao hai lưỡi đối với học sinh. Bên cạnh những lợi ích điện thoại di động mang lại thì ta không thể làm ngơ đến những hệ lụy mà việc sử dụng điện thoại mang lại cho học sinh hiện nay. Sử dụng điện thoại có thể gây nghiện trong học sinh, nhiều học sinh mải mê dùng điện thoại lên Facebook mà quên nhiệm vụ học hành, nhiều bạn học sinh lại thức đêm xơ xác đi không phải vì học hành mà để chơi game trên điện thoại, nhiều bạn lại nghiện nhắn tin chat chit yêu đương mà vướng vào việc yêu sớm… Bên cạnh đó, điện thoại là phương tiện đưa các em học sinh đến với những clip nóng, đồi trụy, bạo lực.

Hiện nay, vấn đề sử dụng điện thoại di động không đúng cách ở học sinh đang khiến phụ huynh nhà trường lo lắng. Vì vậy, nhiều người đang đề xuất giải pháp cấm sử dụng điện thoại ở học sinh. Nhưng thực tế, đó không phải là chuyện dễ dàng vì điện thoại bây giờ tràn lan trên thị trường. Trên lớp, thầy cô nên hướng dẫn cho học sinh biết về văn hoá giao tiếp và sử dụng điện thoại. Đặc biệt, trước tình trạng học sinh sử dụng điện thoại di động để quay clip “dằn mặt” bạn rồi tung lên mạng xã hội như hiện nay, nhà trường cần quán triệt các em khi dùng điện thoại tuyệt đối không làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Với cha mẹ học sinh, khi con em mình đang độ tuổi đi học, không nhất thiết phải trang bị điện thoại quá hiện đại cho các em. Cũng không nên cho con mang điện thoại đến trường nếu không thật sự cần thiết. Nếu có mua điện thoại cho con, chỉ nên trang bị điện thoại bình thường với chức năng nghe gọi.

Sử dụng điện thoại là một hình thức giao tiếp văn minh vì nó tiết kiệm được thời gian, lại có thể chuyển tải thông tin bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng điện thoại trong học sinh phổ thông tiện dụng ít, rắc rối nhiều, ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của các em. Nó như con dao hai lưỡi khiến các em học sinh còn non trẻ có thể “đứt tay” bất cứ lúc nào, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Không nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học nếu không thực sự cần thiết. Điều này có thể bước đầu sẽ chưa nhận được sự đồng tình tuyệt đối nhưng rất nên như thế, bởi làm vậy sẽ xây dựng được nếp sống văn minh thanh lịch của học sinh nơi học đường, làm giảm thiểu bạo lực học đường và những hậu quả xấu không đáng có, góp phần xây dựng trường học thân thiện như nội dung cuộc vận động gần đây mà ngành giáo dục đã phát động. Làm được như vậy, các em có thể tập trung học hành và có kết quả tốt hơn.

Tóm lại, việc sử dụng điện thoại di động là cần thiết. Nhưng mỗi người cần phải ý thức sử dụng sao cho hợp lý nhất.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Đừng lãng phí thời gian, bởi vì thời gian là vàng bạc rất quý giá. Đừng lãng phí tiền bạc, bởi làm ra đồng tiền không hề dễ dàng. Tương lai của bạn như thế nào đều phụ thuộc vào những giờ học trên lớp của bạn đó. Đừng để điện thoại huỷ hoại cuộc sống của mình các bạn nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *