Top 12 Mối tình đẹp nhất trong văn học Việt Nam

Tình yêu đôi lứa luôn là đề tài hấp dẫn được các nhà văn khai thác. Trong thi ca Việt Nam, những trang viết về những mối tình đẹp và đầy xúc động luôn khiến … xem thêm…nhiều người yêu thích. Cùng Blogthoca.edu.vn tìm hiểu những mối tình đẹp nhất trong văn học Việt Nam nhé!

Tình yêu của Kim Trọng – Thúy Kiều

Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,
Liễu xa đào liễu ngã liễu nghiêng.
Anh xa em như bến xa thuyền.
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi!


Lời ca dao nói về một mối tình đứng vào hàng đẹp nhất trong văn học Việt Nam: tình yêu Kim Kiều (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Kim Trọng, Thúy Kiều gặp gỡ trong tiết thanh minh, đôi trai tài gái sắc ấy cảm mến nhau trong những phút giây đầu tiên “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Tương tư Kiều, Kim dọn nhà về trọ đằng sau vườn Thúy. Mùa xuân năm ấy, việc Kiều làm vương cành thoa cài đầu trong vườn đào đã thúc đẩy mối tình của họ và kỷ niệm đáng nhớ ấy là đêm thề nguyền dưới trăng. Gia đình gặp biến cố, Kiều bán mình chuộc cha, trao duyên cho Vân trong nỗi đau đớn, tuyệt vọng.

Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi


Trong suốt mười lăm năm lưu lạc, ánh trăng thề nguyền đi suốt đời Kiều và cũng chừng ấy thời gian, Kim Trọng vô cùng đau khổ và quyết lặn lội tìm người thương năm cũ.

Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê
…. Chưa chăn gối cũng vợ chồng
Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?
Bao nhiêu của, mấy ngày đàng
Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi!


Kết thúc truyện, Kim Kiều đoàn viên nhưng lại nguyện là tình tri âm tri kỷ “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì”. Tình yêu Kim Trọng – Thúy Kiều là bài ca về tình yêu tự do vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo, về khát vọng tình yêu mãnh liệt, chung thủy của con người.

Tình yêu của Kim Trọng – Thúy Kiều
Truyện Kiều của Nguyễn Du khắc họa chân dung của Thúy Kiều trong cuộc đời 15 năm lưu lạc

Tình yêu Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga

Dù ai gieo tiếng ngọc
Dù ai đọc lời vàng
Bông sen hết nhụy bông tàn
Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga


Câu ca dao ca ngợi mối tình chung thủy sắt son được nhiều người Việt Nam biết đến, nhất là người dân thuộc mảnh đất Nam Bộ: Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga. Được Lục Vân Tiên đánh đuổi bọn cướp Phong Lai cứu thân mình khi trên đường về thăm cha, Nguyệt Nga rung động trước người anh hùng hào hiệp, trượng nghĩa “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Ấp ủ tình yêu thầm lặng, nàng gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào bức tượng hình Vân Tiên.

Vân Tiên từ giã phản hồi,
Nguyệt Nga than thở: “Tình ôi là tình!
Nghĩ mình mà ngán cho mình,
Nỗi ơn chưa trả, nỗi tình lại vương”


Sau này vì từ chối Bùi Kiệm và con trai Thái sư đương triều, nàng bị dâng đi cống giặc Ô Qua. Trên đường đi, Nguyệt Nga ôm bức tượng Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn. Câu chuyện kết thúc có hậu khi nàng nương nhờ bà lão dệt vải thì Lục Vân Tiên thắng giặc Ô Qua trên đường về bị lạc, ghé hỏi đường bà lão. Hai người gặp nhau trong niềm hạnh phúc.

Nàng bèn tỏ thiệt một khi,
Vân Tiên vội vã xuống quỳ vòng tay,
Thưa rằng: “May gặp nàng đây,
Xin đền ba lạy sẽ bày nguồn cơn.
Để lời thệ hải minh sơn,
Mang ơn trước phải đền ơn cho rồi.
Vân Tiên vốn thiệt là tôi,
Gặp nhau nay đã phỉ rồi ước mơ.”

Tình yêu Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga
Tác phẩm Lục Vân Tiên- Kiều Nguyệt Nga là chất liệu để các nghệ sĩ chuyển thể sang nhiều tác phẩm biểu diễn

Tình yêu Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ

Nguyễn Trãi – đại thi hào, bậc anh hùng dân tộc – khi còn là học trò, trong một lần tình cờ đã gặp Nguyễn Thị Lộ. Lúc bấy giờ người con gái xinh đẹp đang lên Thăng Long bán chiếu để đỡ đần mẹ và em. Cảm mến người con gái, Nguyễn Trãi đọc bài thơ trêu ghẹo rằng:

Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi,
Đã có chồng chưa, được mấy con?
(Ghẹo cô hàng chiếu)


Người con gái lặng im giặt chiếu, đến khi đi mới ngoảnh lại mà đáp:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con!


Câu chuyện ghẹo cô hàng chiếu đã mở đầu cho cuộc tình duyên vừa thiết tha vừa đầy bi kịch của hai người. Sau khi làm vợ lẽ Nguyễn Trãi, nhờ tài năng vượt trội, Nguyễn Thị Lộ được vào cung làm chức nữ quan hầu việc cho vua. Trước bao lời đàm tiếu, bà gửi thơ cho chồng để bày tỏ tình yêu và lòng chung thủy của mình. Nhưng do âm mưu đen tối của cuộc tranh đấu quyền lực trong hoàng tộc nhà Lê, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã chịu oan khốc tày trời trong vụ án Lệ Chi Viên.

Tình yêu Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ
Tình yêu và oan nghiệt trong mối tình Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ

Tình yêu Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương

Chuyện tình một thủa giữa hai nhà thơ lớn của dân tộc đem lại nhiều thú vị cho người đời sau. Lúc đó Nguyễn Du còn là cậu Chiêu Bảy phong lưu, hào hoa của tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha qua đời sớm, Nguyễn Du sống ở nhà người anh là quan Tham Tụng Nguyễn Khản. Hồ Xuân Hương lúc đó tuổi còn thanh xuân, nổi danh tài nữ, sống ở Cổ Nguyệt Đường gần Tây Hồ. Hai bài thơ “Mộng thấy hái sen” (Mộng đắc thái liên) được cho là Nguyễn Du viết để tặng Hồ Xuân Hương:
I
Buộc chặt quần cánh bướm
Chèo thuyền con hái sen
Nước hồ sao lai láng
Mặt nước bóng người in
II
Hái, hái, sen Hồ Tây
Hoa gương trên thuyền đầy
Hoa tặng người mình trọng
Gương tặng người mình say


Nhưng thời cuộc xoay vần, tình duyên lỡ dở. Sau này, Nguyễn Du sống cuộc đời bế tắc, Hồ Xuân Hương cũng lâm vào cảnh “hồng nhan bạc mệnh” cô độc, đơn chiếc. Bài thơ bà gửi người cũ khi nghe tin ông được thăng chức quan xiết bao ngậm ngùi, da diết:


Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu mấy,
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
(Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu)

Tình yêu Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương
Tình yêu Nguyễn Du- Hồ Xuân Hương

Tình yêu Phạm Thái – Trương Quỳnh Như

Phạm Thái là danh sĩ sống vào thế kỉ XVII – XVIII, mang tinh thần phục Lê, chống Tây Sơn. Chuyện không thành, sau thời gian trốn trong chùa, chàng được một vị quan “bảo lãnh” và ra làm gia sư nhà quan. Chàng quen người em gái của bạn mình là Trương Quỳnh Như – người con gái tài sắc vẹn toàn. Hai người yêu nhau nhưng lại bị gia đình ngăn cấm, Trương Quỳnh Như bị ép gả cho người khác khi Phạm Thái về quê tìm người mai mối. Phẫn uất, nàng tự tử khi tuổi còn thanh xuân.

Đau xót khôn cùng trước cái chết của nàng, Phạm Thái viết Văn tế Trương Quỳnh Như để tế người tình của mình với lời lẽ thống thiết, xúc động:

Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!
Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.
Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một điểm, nguyệt có một vầng, mây có một đoá: thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!
….Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hoá buông xuôi tính mạng.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm: chua xót cũng vì đâu?


Bài Văn tế là bản bi ca về tình yêu dang dở, tiếng nói ai oán cho mối tình thắm thiết mà bị lễ giáo ngăn trở. Sau đó, vì nhớ thương nàng quá đỗi và chua xót cho mối tình dang dở, Phạm Thái còn viết truyện thơ Sơ kính tân trang kể về cuộc tình duyên giữa Phạm Kim và Quỳnh Như nhưng với kết thúc có hậu: Sau khi tự tử, Quỳnh Như đầu thai chuyển thế thành Thụy Chậu để nối duyên cùng người thương.

Tình yêu Phạm Thái – Trương Quỳnh Như
Tình yêu Phạm Thái – Trương Quỳnh Như

Tình yêu của thần y Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là thần y của y học cổ truyền nước Việt ta, sống vào thời vua Lê chúa Trịnh. Xuất thân trong gia đình khoa bảng, gặp thời buổi loạn lạc, ông không theo con đường làm quan của cha ông mà chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cho dân. Thời trẻ, ông được gia đình se duyên cùng một người con gái con quan, cũng đã làm lễ ra mắt. Nhưng cha đột ngột mất, ông phải rời Hưng Yên mà vào Hương Sơn (Hà Tĩnh) phụng dưỡng mẹ già. Sợ phiền lụy đến người con gái vốn nhà khuê các, ông chủ động đem trầu cau trả lại lễ. Thời gian trôi qua, Lê Hữu Trác yên trí rằng người ấy đã quên và đi lấy chồng, có hạnh phúc riêng.

Vào tuổi 60, ông được chúa Trịnh Sâm vời ra kinh đô để chữa bệnh. Cuốn Thượng kinh ký sự ghi chép lại những ngày tháng của ông ở kinh đô. Trong đó có đoạn viết:

“Một ngày kia, có hai lão ni đến chỗ tôi ngụ, nói rằng: Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá. Thế rồi, một lão ni tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam, quê ở Huê Cầu. Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ”.


Bao nhiêu nỗi bàng hoàng vương vấn ùa về khi gặp người cũ. Gạn hỏi nguyên do tại sao lại gửi thân nơi cửa Chùa, bà ni – người con gái đính ước năm xưa – chỉ nói: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ”.


Ông hỏi bà có nguyện vọng, tâm tình gì không, bà chỉ xin ông một cỗ áo quan để lo chuyện hậu sự. Cảm động thổn thức, Lê Hữu Trác viết bài thơ Gửi người tình cũ. Bài thơ được dịch như sau:

Lỡ vô tâm khiến hận người
Giật mình gặp lại nụ cười xa xưa
Rồi đây ta mãi dày vò
Đoá xuân tàn tạ đâu ngờ mắt xanh
Kiếp này kết nghĩa em, anh
Mộng chung chăn gối âu đành kiếp sau
Phụ người? Ai phụ ai đâu
Tình ta, ta biết cho nhau – lỡ rồi…!

Tình yêu của thần y Lê Hữu Trác
Thần y Lê Hữu Trác

Tình yêu Quang Trung – công chúa Ngọc Hân

Ngọc Hân là công chúa của vua Lê Hiển Tông nhà Hậu Lê. Người anh hùng áo vải cờ đào Quang TrungNguyễn Huệ dấy cờ khởi nghĩa, tiến quân ra Bắc với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh. Theo chính sách kết giao chính trị, Ngọc Hân vâng lời vua cha gả cho Nguyễn Huệ lúc mới 16 tuổi và sau này được tấn phong là Bắc Cung Hoàng Hậu.

Có giai thoại rằng, khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua lấy hiệu là Quang Trung, cất quân đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm 1789, đã sai người vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân cành hoa đào. Hai người sống hạnh phúc và có với nhau hai người con cả trai lẫn gái. Nhưng cuộc tình “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” cũng thật ngắn ngủi. Vua đột ngột băng hà, bà đau xót vô cùng và bày tỏ nỗi lòng ấy trong Văn tế Quang TrungAi tư vãn – tác phẩm nổi tiếng:

Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu!
Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,
Biết cậy ai dập nỗi bi thương?
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.


Quang Trung mất sớm, Ngọc Hân cùng hai con ra khỏi kinh thành, nương nhờ nơi cửa Phật, sống lặng lẽ thờ chồng chăm con. Bà gượng sống đến năm 29 tuổi thì mất.

Tình yêu Quang Trung – công chúa Ngọc Hân
TÌnh yêu Quang Trung – Công chúa Ngọc Hân

Tình yêu Chí Phèo – Thị Nở

Cuộc tình “đôi lứa xứng đôi” giữa người nông dân bị dồn đến bước đường lưu manh hóa, tha hóa cùng cực mà trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” Chí Phèo với Thị Nở – người đàn bà “xấu ma chê quỷ hơn”, “đần như những người đần trong truyện cổ tích” là một điểm nhấn đặc biệt thú vị trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Đến với nhau bằng sự thuần túy bản năng của giống nòi trong một cơn say của Chí Phèo, không ngờ rằng, mối tình bi hài mà thấm đẫm chất thơ ấy đã thức tỉnh ở Chí ý thức về cuộc đời, và niềm khát khao lương thiện.

Bát cháo hành mà Thị đưa đến là “liều thuốc giải” cực kỳ hiệu nghiệm, không chỉ giải cảm mà còn giải độc cho tâm hồn Chí, đưa Chí trở lại bản chất hiền lành năm nào:

Hắn càng ăn, mồ hôi lại càng nhiều. Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu thương hại. Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người? Ðó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi. Hay trận ốm thay đổi hẳn về sinh lý, cũng thay đổi cả tâm lý nữa? Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Ðã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện…


Những giấc mơ của Chí không thành bởi định kiến tàn nhẫn của xã hội. Trước sự cự tuyệt của Thị Nở, Chí Phèo lại lôi rượu ra uống, những càng uống càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ơi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa. Hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Tình yêu giữa Chí Phèo và Thị Nở là những trang viết đầy ắp lòng nhân ái sâu xa của nhà văn Nam Cao.

Tình yêu Chí Phèo – Thị Nở
Tình yêu Chí Phèo – Thị Nở

Tình yêu “màu tím hoa sim” của Hữu Loan

Bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim là bài thơ đặc biệt của Hữu Loan, đặc biệt không chỉ vì sau này được mua bản quyền với giá 100 triệu đồng, không chỉ vì tình yêu da diết, xót xa được tác giả thể hiện mà còn bởi nó có cả một quá khứ truân chuyên khi bị coi là ủy mị, lãng mạn tiểu tư sản, lạc dòng khỏi dòng văn học cách mạng.

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…


Anh thầy gia sư Hữu Loan yêu cô học trò bé bỏng của mình. Kỉ niệm sâu sắc nhất là những lần dạo chơi trên đồi hoa sim tím, là tấm áo màu tím hoa sim của người thương. Lấy được nhau, hạnh phúc chẳng được bao lâu, Hữu Loan phải trở lại đơn vị bộ đội. Nhưng tin kinh hoàng một chiều bỗng ập đến: Người vợ trẻ bị nước lũ cuốn trôi. Người lính trẻ Hữu Loan đã viết Màu tím hoa sim với tất cả sự xót xa, nuối tiếc, đau thương của mình. Màu tím ở đây hiện lên như biểu tượng về nỗi nhớ, lòng thủy chung và cả tình yêu tuổi trẻ mộng mơ ấy.

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Tình yêu “màu tím hoa sim” của Hữu Loan
Màu tím hoa sim của Hữu Loan

Tình yêu đầy ánh trăng của Nguyệt – Lãm

Mảnh trăng cuối rừng là truyện ngắn cách mạng nổi tiếng của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn những năm chống Mỹ. Người lính lái xe Lãm có người yêu phương xa là cô giao liên xung phong tên Nguyệt qua lời mai mối của chị Tính cùng đơn vị với Nguyệt. Họ thư từ qua lại suốt mấy năm nhưng chưa một lần gặp mặt. Trong một lần lái xe ra chiến trường, Lãm có người nhờ đi nhờ xe, người con gái mà sau đó anh biết cũng tên là Nguyệt có một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi toả ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ”.

Hai người đi trong một đêm trăng ngời sáng, thấm đẫm từng sợi tóc của cô gái ngồi bên cạnh:
Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường!

Đường lên hỏa tuyến, sự dũng cảm khi dẫn xe qua làn mưa bom đạn của Nguyệt khiến Lãm càng thêm say mê. Chia tay nhau khi trời mờ sáng, Lãm hứa sẽ vào đơn vị thăm Nguyệt. Nhưng rồi chuyến đi thăm ấy, họ lại bỏ lỡ dịp gặp nhau. Hiểu thêm về Nguyệt, lòng Lãm dấy lên những suy tư cảm phục:

Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời. Tôi đứng bên bờ sông giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá những cái quý giá đó chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?

Mảnh trăng cuối rừng là câu chuyện thật đẹp, đậm chất lý tưởng về tình yêu và sức sống của tâm hồn Việt Nam trong chiến tranh.

Tình yêu đầy ánh trăng của Nguyệt – Lãm
Tình yêu đẹp trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

Tình yêu của Tràng và Vợ nhặt

Tình yêu của Tràng và thị trong tác phẩm văn học Vợ Nhặt của Kim Lân xuất phát ban đầu dương như không phải là tình yêu đôi lứa mà lớn lao hơn cả đó là tình người mang đầy tính nhân văn. Trong cái nạn đói kinh hoàng năm 1945, người ta lo cho bản thân mình còn không nổi nhưng anh Tràng hiện lên với vẻ ngoài ngờ nghệch ngây ngô nhưng cũng đầy lòng trắc ẩn. Xuất phát từ những câu bông đùa, sau đó là sẵn lòng cho chị ăn một bữa bánh đúc thật no nê rồi đồng ý dắt luôn chị về nhà. Quá trình thay đổi rất bất ngờ nhưng hoàn toàn hợp lý so với tâm lý của Tràng.

Trong khi hàng xóm gọi thị là “nợ đời” thì trongLòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng. Thị về nhà và sống với bà cụ Tứ, với Tràng cũng thật tự nhiên, dung dị. Kim Lân quả thật rất tài tình khi mang khung cảnh đắt giá về một buổi sáng sinh hoạt đời thường của bao gia đình Việt vào tác phẩm. Mẹ lúi húi nhặt cỏ, con dâu quét dọn sân vườn.

Và khi chứng kiến khung cảnh đó trong Tràng bắt đầu cảm nhận được lòng mình đang rung lên niềm xúc động chân thành, thấm thía. Đó là niềm xúc động của một con người vừa nhận ra hạnh phúc đâu phải là cái gì quá trừu tượng, xa xôi, hạnh phúc có ngay trong cuộc sống bình dị, thường ngày. Hạnh phúc của sự bình yên, ấm áp. Một anh Tràng mỗi ngày chỉ biết chơi đùa với lũ trẻ con, bây giờ dường như thật sự đã đổi khác, đã “lớn lên” qua những cảm nhận ấy khi có một người mẹ thương con, một người vợ chăm chỉ, ngoan ngoãn.

Cuộc sống gia đình và hạnh phúc vợ chồng đơn sơ, bình dị đã làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của Tràng. Từ một anh chàng ngờ nghệch, cộc cằn, Tràng đã sớm thay đổi trở thành một người con, người chồng thực sự từ khi đón nhận hạnh phúc gia đình. Tràng không còn là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã trở thành một người con có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm. “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. Hai chữ “lạ lùng” nói lên sự đổi thay lớn lao trong suy nghĩ của Tràng. Tình cảm với gia đình của Tràng không hề hời hợt, bâng quơ, dù lúc trước có thể là như thế, còn bây giờ đã là máu thịt, là mạch kết nối bền chặt trong Tràng.

Có thể nói tình yêu của Tràng và thị xuất phát từ tình người đáng quý và sau đó trở thành tình yêu thương chân thành với người vợ của mình, thể hiện sự khát khao về một mái ấm gia đình. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Và cũng từ đó trong người Tràng dấy lên một tinh thần đổi mới, tinh thần cách mạng sáng ngời.

Tình yêu dung dị rất đời của Tràng trong Vợ nhặt
Tình yêu của Tràng và Vợ nhặt

Tình yêu Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ

Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ đều là những nhà văn nhà thơ tài ba đã đi vào huyền thoại bởi không chỉ tài năng của họ mà còn được hậu thế luôn thổn thức bởi chuyện tình yêu mãnh liệt da diết nhưng cũng đầy bi thương của họ.

Cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ trước khi đến với nhau đều đã trải qua những rạn nứt, đổ vỡ trong hôn nhân. Và rồi nhân duyên mang họ đến bên nhau và yêu nhau đậm sâu và trở thành biểu tượng của tình yêu cho thế hệ mai sau.

Cho đến nay những bài thơ tình của Xuân Quỳnh vẫn còn vẹn nguyên giá trị và được nhiều bạn đọc yêu thích bởi trong những vần thơ của bà luôn thể hiện một nỗi nhớ niềm thương yêu đong đầy, điển hình phải kể đến những tác phẩm nổi tiếng như: ” Thuyền và biển”, “Sóng”, “Thơ tình cuối mùa thu”. Những câu thơ với vần điệu nhẹ nhàng, ví von sâu sắc tự nhiên đi vào trái tim người đọc tự bao giờ:

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố


Bài thơ đã được phổ nhạc và bài hát thuyền và biển cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ công chúng.

Và thật không may, đang trên đỉnh cao của sự nghiệp thơ văn, sự ra đi của cặp đôi Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ trong một vụ tai nạn năm 1988 khi cả hai còn quá trẻ đã để lại cho nhiều tiếc nuối cho đời và nền Văn học nước ta.

Hằng năm, tại sân khấu kịch các nghệ sĩ vẫn luôn dành cho Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ một nỗi niềm cảm tạ và tri ân sâu sắc, nhân kỷ niệm ngày mất của 2 nghệ sĩ các tác phẩm kịch, các tác phẩm thơ ca được phổ nhạc đều được tái hiện lại một cách xúc động và thu hút đông đảo khán giả khắp cả nước đến xem.

Tình yêu của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ
Tình yêu huyền thoại Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ

Khi con người còn tồn tại là còn có những áng văn thơ về tình yêu bởi dù sống trong thời đại nào cũng có những mối tình sâu đậm. Ngoài những câu chuyện kể trên, bạn còn ấn tượng với tình yêu nào trong văn học nước ta? Hãy cùng chia sẻ với Blogthoca.edu.vn nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *