Top 6 Bài soạn “Ông đồ” của Vũ Đình Liên (lớp 8) hay nhất

Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào thơ mới. Phong cách thơ ông mang nặng nỗi niềm xưa, hoài cổ, hoài niệm. Bài thơ “Ông đồ” là … xem thêm…một trong những bài thơ như thế. Tác phẩm đã khắc họa thành công hình ảnh đáng thương của ông đồ thời vắng bóng đồng thời gửi gắm niềm thương cảm chân thành của nhà thơ trước lớp người dần đi vào quá khứ, khơi gợi niềm xúc động tự vấn của nhiều độc giả. Mời các bạn đọc tham khảo một số bài soạn “Ông đồ” của Vũ Đình Liên hay nhất mà Blogthoca.edu.vn tổng hợp trong bài viết sau để hiểu tác phẩm và chuẩn bị tốt nhất nội dung lên lớp.

Bài soạn “Ông đồ” số 1

Bố cục:

Chia làm 3 phần:

– Phần 1 (hai khổ thơ đầu): hình ảnh ông đồ có tài có tâm được mọi người chú ý.

– Phần 2 (hai khổ 3, 4): tâm trạng của ông đồ khi dần rơi vào quên lãng.

– Phần 3 (khổ thơ cuối): Sự tiếc nuối, cảm thương cho lớp người xưa cũ của tác giả.


Câu 1 (trang 10 sgk Ngữ Văn 8 tập 2):

– Hình ảnh ông đồ cho chữ ngày Tết trong hai khổ thơ đầu: hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu trưng của những giá trị truyền thống.

+ Gắn với Tết và mùa xuân (hoa đào nở).

+ Hình ảnh song hành mực tàu, giấy đỏ, phố đông người .

+ Tài hoa và tấm lòng của người thảo chữ.

+ Nhiều người thuê viết, ngợi khen tài.

→ Hình ảnh ông đồ đẹp có tài và có tâm. Ông mang lại niềm vui cho mọi người bằng tấm lòng và tài năng của mình.

– Hình ảnh ông đồ lạc thời, cô đơn trong khổ thơ 3 và 4.

+ Mỗi năm mỗi vắng: ông đồ mờ nhạt dần theo thời gian, không được mọi người chú ý nữa.

+ Giấy đỏ buồn, mực sầu – chính là tâm trạng của ông đồ.

+ Hình ảnh ông đồ bị mọi người lãng quên (ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay).

+ Hình ảnh lá vàng, mưa bụi: cảnh lạnh lẽo buồn thảm tô đậm tâm trạng buồn xót xa của ông đồ.

– Hình ảnh đối lập của khổ 1,2 với khổ 3,4 là sự đối lập về cảnh và tâm trạng, gợi cho người đọc những suy ngẫm, xót thương cho ông đồ.Ông đồ dần bị đưa vào quên lãng khi không ai còn nhận ra giá trị từ những điều ông tạo ra.

→ Ông đồ ban đầu là trung tâm của sự chú ý dần dần bị quên lãng. Tâm trạng xót xa, buồn đau của ông đồ trước sự vô tình, ơ hờ của mọi người.

Câu 2 (trang 10 sgk Ngữ văn 8 tập 2):

– Tâm trạng của tác giả được thể hiện ngầm ẩn sau những lớp hình ảnh mang tính ẩn dụ, biểu trưng.

+ Tác giả tạo ra cảnh đối lập về hình ảnh ông đồ nhằm gợi lên trong lòng người đọc niềm thương cảm về vị trí của ông đồ.

– Tác giả bộc lộ trực tiếp tâm trạng, sự xót thương của mình ở cuối bài (những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?).

→ Sự thương cảm, xót xa của tác giả không chỉ dành cho ông đồ mà còn dành cho lớp người cũ bị quên lãng. Đó cũng chính là sự hòa niệm những giá trị tinh thần đẹp truyền thống bị mai một.

Câu 3 (trang 10 sgk Ngữ Văn 8 tập 2):

Bài thơ hay và hấp dẫn ở việc tạo ra những đối lập về hình ảnh, tâm trạng, cảm xúc đối xứng trong bố cục của bài thơ.

– Tác giả dựng cảnh tương phản:

+ Ban đầu cảnh cho chữ đông vui tấp nập.

+ Càng về sau cảnh buồn bã, lạnh nhạt, hiu quạnh.

+ Một bên nét chữ như rồng bay phượng múa.

+ Một bên giấy đỏ buồn, mực sầu, cảnh hiu quạnh.

– Cái kết đầu cuối tương ứng:

+ Vẫn là cảnh ngày tết, không gian mùa xuân có hoa đào nở.

+ Ông đồ mờ nhạt dần, cuối cùng thì không thấy nữa.

+ “ông đồ xưa” không còn tồn tại nữa.

– Tác giả tái hiện lại những hoài niệm về thời “vàng son xưa cũ” của một thế hệ nhà Nho đẹp nhưng dần phai mờ.

– Ngôn ngữ bình dị, trong sáng nhưng hàm súc, đầy dư vị.

→ Tác giả tái hiện được vẻ đẹp của cảnh cho chữ, hình tượng ông đồ xưa với bàn tay tài hoa- giá trị tinh thần truyền thống đẹp- đang dần mai một trong đời sống. Sự nuối tiếc, hoài cổ cảnh cũ người xưa.

Câu 4 (trang 10 sgk 8 tập 2):

Những câu thơ trên tả cảnh những ngụ tình:

+ Hình ảnh đẹp nhưng gợi ra sự tàn lụi, u uất.

+ Tâm trạng của ông đồ buồn thảm, bẽ bàng như chính những đồ vật gắn với nghề của ông ( giấy đỏ, mực tàu).

+ Biện pháp nhân hóa làm cho giấy, mực – tưởng như vô tri bỗng nhiên trở nên sinh động, mang tâm trạng sầu bi như con người.

+ Hình ảnh thiên thiên: lá vàng, mưa bụi càng tô đậm hơn sự hiu quạnh, lạnh lẽo của không gian cũng như sự vô tình, hờ hững quên lãng của người đời.

→ Là những câu thơ đẹp, hoài cổ, ghi lại dấu ấn và mang lại cho người đọc nhiều dư vị về cảnh cũ người xưa, những nét đẹp về văn hóa tinh thần “vang bóng một thời”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài soạn “Ông đồ” số 2

Tìm hiểu tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

– Vũ Đình Liên (12/11/1913 – 18/01/1996) quê ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương.

– Ông nổi tiếng với bài thơ Ông đồ từ phong trào Thơ mới. Nhiều năm ông làm nghề dạy học, từng là Chủ nhiệm khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là thành viên nhóm văn học Lê Quý Đôn (gồm: Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn…).

Các tác phẩm đã xuất bản: Đôi mắt (thơ, 1957); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (nghiên cứu, 1957); Nguyễn Đình Chiểu (nghiên cứu, 1957); Thơ Bô-đơ-le (dịch thuật, 1995).

Tập thơ Bô-đơ-le, công trình 40 năm lao động dịch thuật say mê và nghiên cứu của ông đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1996).

2. Tác phẩm

– Bài thơ Ông đồ là một trong những bài thơ hay nhất, nổi tiếng nhất của Vũ Đình Liên và cũng là của phong trào Thơ mới. Sử dụng thể thơ năm chữ và ngôn ngữ gợi cảm, giàu tính tạo hình, Vũ Đình Liên đã miêu tả ông đồ ngồi viết chữ thuê trên phố ngày Tết, từ lúc ông còn đắc chí đến lúc hình ảnh ông mờ dần rồi xa khuất giữa bức tranh xuân.

– Nội dung chính: Bài thơ thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của ông đồ và niềm cảm thương, nuối tiếc của tác giả đối với một lớp người, một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

– Nghệ thuật: Kết cấu chặt chẽ, ngôn ngữ, hình ảnh thơ bình dị, trong sáng mà ám ảnh, giàu sức gợi.

Câu 1
– Hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ Nho ngày Tết trong 2 khổ thơ đầu:
+ Không gian: Phố đông người qua
+ Thời gian: Tết đến, xuân về
+ Nét bút: “như phượng múa rồng bay”
+ Thái độ mọi người: chen chúc xin chữ, tấm tắc khen ngợi
– Hình ảnh ông đồ khổ 3 và 4:
+ Không gian: mỗi năm mỗi vắng
+ Thời gian: Tết đến, xuân về
+ Nét bút: không còn cùng ông thảo những nét “phượng múa rồng bay” mà “Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu”
+ Thái độ của mọi người: Vắng vẻ, thưa thớt dần
⇒ Tình cảnh của ông đồ: Ông đồ và nét chữ của ông trở thành tâm điểm của ngày Tết. Khi ấy, ông được tôn vinh và tục xin chữ ngày Tết trở thành một nét văn hóa đẹp vào ngày Tết. Nhưng dần dần, ông đồ và thú vui chơi chữ ấy đã bị lãng quên và đang bị vùi lấp bởi những giá trị khác.

Câu 2
Tâm tư của nhà thơ thể hiện qua bài thơ: Nỗi niềm tiếc nuối, cảm thương chân thành trước lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

Câu 3
Những điểm hay của bài thơ:
– Cách dựng cảnh tương phản: Thời đắc ý và thời lụi làn.
– Kết cấu đầu cuối tương ứng: Vẫn là thời gian ngày tết, hoa đào nở, không gian đường phố quen thuộc. Nhưng hình ảnh ông đồ cứ nhạt nhòa dần. Cuối cùng rơi vào quên lãng.
– Bài thơ làm theo thể năm chữ: Ngôn ngữ giản gị mà cô đọng, nhiều dư vị

Câu 4
Đây là những câu thơ tả cảnh ngụ tình. Hai câu thơ trên, “giấy đỏ, mực” như người bạn theo ông đồ qua thời huy hoàng, bây giờ cũng buồn như thân phận của ông. Hai câu sau, cảnh vật hiu hắt, vắng vẻ, bởi lòng người buồn, một quá khứ đẹp đẽ đã đi qua.

Tổng kết
Ông đồ của Vũ Đình Liên là bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, đây gợi cảm. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của “ông đồ”, qua đó toát lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài soạn “Ông đồ” số 3

I. Đôi nét về tác giả Vũ Đình Liên

– Vũ Đình Liên (1913 – 1996)

– Quê quán: Quê gốc là ở Hải Dương nhưng sống chủ yếu ở Hà Nội

– Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào thơ mới

+ Ngoài sáng tác thơ, ông còn nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy văn học

– Phong cách sáng tác: Thơ ông mang nặng nỗi niềm xưa, nỗi niềm hoài cổ, hoài vọng

– Tác phẩm tiêu biểu: Lũy tre xanh, Mùa xuân cộng sản, Hạnh phúc…

II. Đôi nét về bài thơ Ông Đồ

1. Hoàn cảnh sáng tác

– Từ đầu thế kỉ XX, nền văn Hán học và chữ Nho ngày càng suy vi trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Tây học du nhập vào Việt Nam, có lẽ vì đó mà hình ảnh những ông đồ đã bị xã hội bỏ quên và dần vắng bóng. Vũ Đình Liên đã viết bài thơ Ông đồ thể hiện niềm ngậm ngùi, day dứt về cảnh cũ, người xưa.

2. Bố cục

Chia làm 3 phần:

– Phần 1 (hai khổ thơ đầu): Hình ảnh ông đồ thời Nho học còn thịnh hành, thịnh thế

– Phần 2 (hai khổ tiếp theo): Hình ảnh ông đồ khi Nho học suy vi (lụi tàn)

– Phần 2: Tâm tư thầm kín, niềm tiếc thương tác giả gửi gắm

3. Giá trị nội dung

– Tác phẩm khắc họa thành công hình cảnh đáng thương của ông đồ thời vắng bóng, đồng thời gửi gắm niềm thương cảm chân thành của nhà thơ trước một lớp người dần đi vào quá khứ, khới gợi được niềm xúc động tự vấn của nhiều độc giả

4. Giá trị nghệ thuật

– Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn gồm nhiều khổ

– Kết cấu đối lập đầu cuối tương ứng, chặt chẽ

– Ngôn từ trong sáng bình dị, truyền cảm

Câu 1:

* Hai khổ thơ đầu:

Hình ảnh ông đồ viết chữ cho ngày tết là một hình ảnh đẹp. Ông xuất hiện cùng với “hoa đào”, “mực tàu”, “giấy đỏ”. Ông đem lại niềm vui cho nhiều người khi viết những câu đối tết. Bao nhiêu người nhờ ông, tấm tắc khen ngợi tài viết chữ của ông.

* Khổ 3 + 4:

Vẫn diễn tả hình ảnh ông đồ trong không gian ấy, thời gian tết đến xuân về nhưng không khí đã có điểm khác biệt: trở nên vắng vẻ qua từng năm, và dần dần không còn ai thuê ông đồ viết chữ như trước nữa. Giấy cũng buồn, mực cũng sầu theo. Ông đồ vẫn ngồi ở vị trí đó, nhưng có vẻ như người ta không ai nhận ra ông, không ai chú ý đến ông nữa, ông gần như bị lãng quên.

* Sự khác nhau trên gợi cho người đọc cảm xúc thương cảm với ông đồ, ông như đang bị gạt ra rìa cuộc sống, ông đang dần bị lãng quên cùng với thú chơi câu đối một thời.

Đặc biệt, hai câu thơ:

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Đây không chỉ đơn giản là hai câu thơ tả cảnh mà còn là hai câu thơ miêu tả cảnh ngộ và tâm trạng của ông đồ. Lá vàng rơi là biểu hiện của sự tàn úa, lại còn kèm theo mưa bụi bay càng thể hiện sự lãnh lẽo và thảm sầu.

Câu 2:

Tâm tư của nhà thơ thể hiện qua bài thơ:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Nhờ kết cấu đầu cuối tương ứng, cảnh thiên nhiên được hiện lên tươi đẹp còn ông đồ vắng bóng bị dòng đời, bị thời gian quên lãng. Câu hỏi tu từ ở cuối khổ thơ đã thể hiện nỗi niềm thương tiếc của tác giả với ông đồ, với giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và hơn thế là sự cảm thương một lớp người đã trở thành quá khứ.

Câu 3:

* Bài thơ này hay ở những điểm nội dung và nghệ thuật:

Về nội dung: bài thơ đề cập đến vấn đề có tính vĩnh cửu và khá phổ biến: số phận của con người trong sự thay đổi của cuộc đời. Hơn thế nữa, vấn đề đó lại được gắn chặt với niềm tiếc thương một nét đẹp văn hóa dân tộc càng khiến cho cảm xúc bài thơ trở nên sâu lắng hơn.

Về nghệ thuật:

Thể thơ 5 chữ, kết hợp với lời lẽ dung dị, không có những câu chữ cầu kì, khó hiểu, cùng với hình ảnh thơ gợi cảm, nhuốm đầy tâm trạng.
Kết cấu đầu cuối tương ứng: vẫn là không gian đó, vẫn là thời gian giáp tết, vẫn là hoa đào nở, nhưng hình ảnh ông đồ ngày càng nhạt nhòa dẫn, và cuối bài thơ không thấy xuất hiện hình ảnh ông đồ nữa.
Cách dựng cảnh tương phản: một bên thì tấp nập, đông vui; một bên thì buồn bã, hiu hắt. Một bên thì nét chữ như rồng bay phượng múa; một bên thì giấy bút buồn không thắm, mực đựng trong nghiên sầu.


Câu 4:

Những câu thơ:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Đây là những câu thơ không chỉ tả cảnh, tác giả đã dùng biện pháp nhân hóa để làm cho những vật vô tri vô giác (giấy, nghiên mực,…) như cũng biết sầu giống con người. Phải chăng cái buồn của ông đồ đã làm nhiễm sang cảnh vật? Là vàng lại rơi trên giấy không thắm, mưa bụi lại làm cho cảnh vật như bị nhòe mờ. Ông đồ vốn đã bị lãng quên, nay càng bị khuất lấp. Chính những câu thơ này đã làm cho người đọc có ấn tượng và nỗi ám ảnh sâu sắc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài soạn “Ông đồ” số 4

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913 – 1996), quê ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương.

Vũ Đình Liên nổi tiếng với bài thơ Ông đồ từ phong trào Thơ mới. Nhiều năm ông làm nghề dạy học. Từng là Chủ nhiệm khoa Tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là thành viên nhóm văn học Lê Quý Đôn (gồm : Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn,…).

2. Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều, nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới.

Bằng thể thơ năm chữ, kết cấu giản dị, ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, bài thơ Ông đồ thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của ông đồ, qua đó gợi lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người bị gạt ra lề cuộc sống, và nỗi hoài niệm, nhớ tiếc một thời lịch sử của đất nước.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Trong hai khổ thơ đầu, hình cảnh ông đồ viết chữ nho ngày Tết là một hình ảnh đẹp. Đây là cái thời đắc ý của ông. Ông xuất hiện cùng hoa đào, với mực tàu giấy đỏ. Ông đem lại niềm vui cho mọi người khi viết câu đối Tết. Bao nhiêu người nhờ ông. Bao nhiêu người tấm tắc khen ngợi ông. Ông viết câu đối mà như người biểu diễn thư pháp : Hoa tay thảo những nét – Như phượng múa rồng bay.

Khổ thơ 3 và 4 vẫn diễn tả không gian ấy, thời gian ấy. Song là một không khí khác : Nhưng mỗi năm mỗi vắng. Không phải là vắng ngắt ngay lập tức, mà theo thời gian. Người cần đến ông cứ giảm dần. Và bây giờ thì hầu như không thấy họ : Người thuê viết nay đâu ? Giấy cũng buồn vì cảnh này, mực cũng sầu vì không được dùng vào việc viết. Ông đồ vẫn có mặt, nhưng người ta đã không nhận ra ông. Người ta chẳng còn chú ý đến ông nữa. Bởi thế mà ông như nhòa lẫn trong lá vàng và mưa bụi. Sự khác nhau của hai hình ảnh ông đồ chủ yếu ở vị trí của ông với công chúng. Trước ông ở trung tâm của sự chú ý. Nay ông ra ngoài rìa của sự chú ý, gần như bị lãng quên.

Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc thương cảm cho ông đồ, ông đang bị gạt ra rìa cuộc sống, ông đang bị lãng quên cùng với nhũng gì gắn với chữ Hán, với tâm lí chuộng thú chơi câu đối một thời. Hai câu thơ : Lá vàng rơi trên giấy – Ngoải giời mưa bụi bay không chỉ là hai câu thơ tả cảnh mà còn là hai câu thơ tả tâm trạng, tả cảnh ngộ của ông đồ. Lá vàng rơi, một biểu hiện của sự tàn úa. Lại kèm với mưa bụi bay. Lạnh lẽo và buồn thảm.


Câu 2. Tâm tư của nhà thơ thể hiện qua bài thơ một cách kín đáo. Tác giả đã mô tả hai cảnh đối lập và gợi niềm thương cảm ông đồ một cách gián tiếp. Chỉ đến phần cuối bài thơ, khi không còn thấy ông đồ, tác giả mới thốt lên:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

Không chỉ cảm thương cho ông đồ, nhà thơ còn cảm thương một lớp người đã trở thành quá khứ. Hơn thế nữa, sự hoài cổ còn là hoài niệm một vẻ đẹp văn hoá gắn với những giá trị tinh thần truyền thống. Chính vì thế mà bài thơ có sức lay động sâu xa. Không chỉ hay ở nội dung hoài niệm, bài thơ còn hay ở nghệ thuật. Trước hết là dựng cảnh tương phản. Một bên tấp nập, đông vui; một bên buồn bã, hiu hắt. Một bên nét chữ cũng như bay múa : phượng múa, rồng bay ; bên kia cả giấy cũng buồn, cả mực cũng sầu, thêm nữa lại kèm lá vàng, mưa bụi.

Kết cấu đầu cuối tương ứng. Cũng là thời gian ngày áp Tết, cũng là không gian mùa xuân, cũng vẫn có hoa đào nở. Nhưng hình ảnh ông đồ thì cứ nhạt nhòa dần. Cuối cùng thì không thấy ông đồ nữa. Ông đã thành ông đồ xưa. Không phải là ông đồ cũ. Ông đã thành xưa, như không còn tồn tại nữa. Bài thơ làm theo thể năm chữ – thể thơ ngũ ngôn. Lời lẽ của bài thơ dung dị, không có gì tân kì. Nhung hình ảnh thơ gợi cảm. Hình ảnh : Hoa tay thảo những nét – Như phượng múa rồng bay thật sinh động. Những hình ảnh :

Giấy đỏ buồn, không thắm

– Mực đọng trong nghiên sầu

– Lá vàng rơi trên giấy

– Ngoài giời mưa bụi bay

không phải chỉ là hình ảnh thiên nhiên đơn thuần, mà là thiên nhiên nhuốm đầy tâm trạng.

Câu 4. Những câu thơ :

Giấy đỏ buồn không thắm

– Mực đọng trong nghiên sầu ;

Lá vàng rơi trên giấy

– Ngoài giời mưa bụi bay là những câu thơ không chỉ tả cảnh. Tác giả đã dùng biện pháp nhân hoá làm cho giấy, mực – những vật vô tri – như cũng biết sầu buồn. Phải chăng, cái buồn của bản thân ông đồ cũng lan sang cảnh vật ? Lá vàng, mưa bụi thật là buồn. Lá lại rơi trên giấy không thắm, mưa bụi lại làm cho cảnh vật như nhoè mờ. Ông đồ đã bị lãng quên, càng bị khuất lấp. Nhũng câu thơ như thế đã làm cho bài thơ tạo được cho người đọc ấn tượng và ám ảnh sâu sắc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài soạn “Ông đồ” số 5

Câu 1. Em hãy trình bày những hiểu biết của mình về “ông đồ” và việc “thuê viết” chữ thời xưa.

Trả lời:

Để cảm nhận được bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, các em cần phải có một số hiểu biết nhất định về “ông đồ” và nghệ thuật thư pháp thời xưa. Trả lời đúng câu hỏi này là đã có được cơ sở cần thiết để hiểu bài thơ.

Ông đồ là người dạy chữ nho ngày xưa. Khi nền Hán học còn thịnh thì ông đồ dù không đỗ đạt, không làm quan, chỉ sống bằng nghề dạy học, ông vẫn luôn được xã hội trọng vọng.

Chữ nho là thứ chữ tượng hình, viết bằng bút lông mềm mại, có một vẻ đẹp riêng. Cá tính và nhân cách của người viết nhiều khi thể hiện ngay trên nét chữ. Viết chữ đẹp từ xưa đã trở thành một môn nghệ thuật

Dán chữ, treo câu đối chữ nho – nhất là trong những ngày Tết – là một nét sinh hoạt văn hoá của người Việt Nam từ xưa. Tết đến, người ta thường mua chữ hoặc xin chữ. Người bán chữ hoặc cho chữ thường viết lên tờ giấy, mảnh lụa hay phiến gỗ,… để chủ nhân mang về làm vật trang trí trong nhà. Chữ viết phải đẹp và ý nghĩa của chữ phải sâu sắc, hợp tình, hợp cảnh. Cách viết chữ nho đẹp trở thành một bộ môn nghệ thuật gọi là thư pháp. Và người có tài viết chữ đẹp rất được kính trọng. Cao Bá Quát (thế kỉ XIX) là một trong những người nổi tiếng về nghệ thuật thư pháp.

Câu 2. Theo em, hai khổ thơ đầu và ba khổ thơ sau của bài thơ Ông đồ có những điểm gì giống và khác nhau ? Hãy làm rõ ý kiến của mình qua việc phân tích các khổ thơ.

Trả lời:

Giữa hai khổ đầu và ba khổ sau của bài thơ có những điểm giống và khác nhau :

Tất cả đều tập trung miêu tả ông đồ ngồi bán chữ trong ngày giáp Tết. Nhưng hai khổ thơ đầu và ba khổ thơ cuối thể hiện những nội dung cảm xúc khác nhau, bởi miêu tả ông đồ ở hai giai đoạn khác nhau.

Hai khổ đầu miêu tả hình ảnh ông đồ khi Hán học đang thịnh vượng, ông được xã hội trọng vọng. Mồi khi Tết đến, ông trở thành nhân vật quan trọng của chốn phố phường. Cái “cửa hàng văn hoá lưu động” (theo cách nói của Vũ Quần Phương) mới đông vui làm sao ! Ông đồ xuất hiện trong những màu sắc rực rỡ của hoa đào, của giấy đỏ ; trong âm thanh tươi vui và trong không khí nhộn nhịp của phố phường. Chữ ông viết ra rất đẹp nên những người thuê viết cứ “tâm tắc ngợi khen tài”. Ở hai khổ thơ đầu, những câu thơ có nhịp điệu nhanh, liền mạch, âm hưởng vui tươi.

Ba khổ cuối miêu tả ông đồ khi Hán học đã suy tàn, ông bị gạt ra ngoài lề xã hội. Người ta bỏ chữ nho để học chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Trong bối cảnh ấy, tình cảnh ông đồ trở nên đáng buồn. Người thuê viết giảm đi theo thời gian, “mỗi năm mỗi vắng”. Người buồn, nên những vật dụng đã từng gắn bó thân thiết với cuộc đời ông đồ cũng sầu thảm theo : Giấy đỏ chảng thắm tươi như ngày xưa, mực đọng trong nghiên cũng sầu não theo (Giấy đỏ buồn không thắm – Mực đọng trong nghiên sầu). Thế là, cho dù vẫn hiện diện, “vẫn ngồi đấy”, nhưng ông đồ chẳng còn được ai để ý; ông đã bị người đời lãng quên rồi. Ồng chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn” (lời tác giả).

Rồi Tết lại đến, hoa đào lại nở, nhưng không ai còn thấy “ông đồ xưa”. Vậy là ông đã đi hẳn vào quá khứ, vĩnh viễn vắng bóng trong cuộc sống náo nhiệt đương thời. Hai câu cuối bài thơ là một câu hỏi day dứt, ngậm ngùi : “Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ ?”. Câu hỏi không lời đáp ấy cứ vương vấn không dứt trong lòng người đọc khi đọc xong bài thơ.

Câu 3. Theo em, bài thơ Ông đồ có những đặc sắc nghệ thuật gì ?

Trả lời:

Ông đồ là một bài thơ hay. Lời thơ trong sáng, giản dị, nhưng rất hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”. Hình ảnh thơ bình dị nhưng đầy gợi cảm, có sức khái quát cao, ví dụ như câu : “Lá vàng rơi trên giấy – Ngoài giời mưa bụi bay”. Bài thơ có kết cấu chặt chẽ theo lối đầu cuối tương ứng (mở đầu là “Mỗi năm hoa đào nở – Lại thấy ông đồ già” và kết thúc là “Năm nay đào lại nở – Không thấy ông đồ xưa”) tập trung làm nổi bật chủ đề mang tinh thần hoải cổ cảnh đó người đâu. Thể thơ ngũ ngôn đã được sử dụng, khai thác có hiệu quả nghệ thuật cao để diễn tả những tâm tình sâu lắng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài soạn “Ông đồ” số 6

A.Kiến thức trọng tâm

1.Tác giả

Vũ Đình Liên (1913-1996) quê gốc ở Hải Dương nhưng chủ yếu sống ở Hà Nội
Là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới
Thơ ông thường mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ

2. Tác phẩm

Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên.
Ông đồ của Vũ Đình Liên là bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, đầy gợi cảm. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của “ông đồ”, qua đó toát lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10

Hãy phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông đồ ở khổ 3,4. Hãy so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó. Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?

Trả lời:
Hai khổ thơ đầu: ông đồ bày giấy mực bên phố đông người nhộn nhịp vào dịp tết đến: “ .. hoa đào nở,… ông đồ già, .. mực tàu giấy đỏ,… đông người…” .
Người người qua lại thuê viết, chữ ông đồ đẹp ai ai cũng khen: “bao nhiêu người thuê viết, tấm tắc… khen tài, hoa tay thảo….., …. phượng múa rồng bay”
Hai khổ thơ sau: ông đồ vẫn ngồi bên phố ấy nhưng nay người qua lại ngày càng vắng, người thuê viết không thấy để ông đồ ngồi buồn bên nghiên mực, giấy đỏ trời mưa bụi bay, lá vàng rơi gợi nên nỗi buồn xơ xác tiêu điều : “….mỗi năm mỗi vắng, …thuê viết nay đâu, giấy đỏ buồn.., mực… nghiên sầu, ông đồ vẫn ngồi đấy, … không ai hay, lá vàng rơi…,…. mưa bụi bay”
Hai hình ảnh đối lập này gợi cho người đọc một hình ảnh ông đồ cô đơn, khung cảnh xơ xác, tiêu điều, một nỗi buồn man mác nhưng thấm sâu, những giá trị truyền thống tốt đẹp ngày ngày dần dần bị quên lãng, còn đâu những hình ảnh đầy nhộn nhịp bên ông đồ.

Câu 2: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10

Tâm tư nhà thơ thể hiện qua bài thơ như thế nào?
Khổ 1,2 nhà thơ với ký ức của mình phác họa lên một ông đồ già viết chữ đẹp, cảnh nhộn nhịp trên đường phố Hà Nội xưa, cảnh đẹp, đường xá rộn ràng vui vẻ, tấp nập.
Khổ 3,4 nhà thơ vẽ lại khung cảnh Hà Nội mới, gần tết nhưng không còn tấp nập, đông đúc vây quanh ông đồ nữa, ông đồ chỉ ngồi đấy, nhìn lá rơi, trời mưa bay mà chẳng hề có ai để ý
Khổ 5 là hình ảnh thự tại, ông đồ ngày xưa chẳng còn nữa cũng chẳng còn những người xưa
Tâm tư tác giả thay đổi theo chiều sâu tâm trạng, lúc vui vẻ nhìn đường xá tấp nập, lúc lại buồn nhìn cảnh tiêu điều, nhớ lại người cũ của tác giả. Tác giả thể hiện niềm cảm thương chân thành sâu sắc trước một lớp người đang tàn tạ ( ông đồ) và nỗi nhớ cảnh cũ người xưa của tác giả.

Câu 3: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10

Bài thơ hay ở những điểm nào?

Bài làm:
Trả lời

Tác giả miêu tả hình ảnh ông đồ ngồi thuê viết ngày Tết bên phố nhưng rất khác nhau gợi sự so sánh
Ông đồ trong dịp hoa đào nở:
Khổ 1,2: mỗi dịp hoa đào nở, ông đồ già lại đem mực tàu giấy đỏ bày ra bên phố đông người. Những lần ông đồ bày ra như vậy lại có rất nhiều người thuê viết, người người khen ngợi, mỗi nét bút của ông viết ra giống như phượng múa rồng bay
Khổ 3,4: cũng là dịp hoa đào nở, ông đồ vẫn bày giấy, mực ra nhưng không còn ai thuê ông viết nữa.
Thể thơ năm chữ, ngôn ngữ giản dị dễ hiểu nhưng đầy sự gợi tả ( ví dụ như hoa đào nở, hoa đào chỉ nở vào những dịp Tết đến, mực tàu giấy đỏ là những dụng cụ để viết chữ hoặc câu đối được treo trong ngày Tết,….)


Câu 4: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10

Phân tích để làm rõ cái hay của những câu thơ sau:

“Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu…”

“Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời bụi mưa bay.”

Theo em, những câu thơ đó là tả cảnh hay tả tình?

Bài làm:
Trả lời:

Những câu thơ này vừa tả cảnh vừa tả tình. Trong cảnh có tình, trong tình có cảnh. Những tờ giấy đỏ được bày ra nhưng không được đụng đến, chúng phải nằm một chỗ cảm giác như không ai cần, không ai thèm để ý. Mực được để trong nghiên nhưng cũng chẳng được sử dụng. Cảnh chính là giấy đỏ nằm im không được sử dụng, mực không sóng sánh. Tình là cái buồn man mác của nỗi cô đơn của mực và giấy cũng là nỗi buồn của ông đồ. Lá vàng rơi, mưa bay lất phất ngoài trời là cảnh, cảnh này tạo nên tình cảnh tiêu điều, xơ xác man mác buồn. Tình chính là sự cộng hưởng giữa cảnh với cảm xúc trong lòng người. Sự cô đơn, lạc lõng của ông đồ trên phố xá đông người qua lại với mưa bụi bay, với chiếc lá vàng rơi trên giấy càng khiến cho người đọc cảm thấy nao lòng. Sự trân trọng, thành kính với ông đồ – một lớp người xưa cũ, đã không còn, thay vào đó là sự thờ ơ, lạnh lùng đi lướt qua ông của những người qua phố..

Phần tham khảo mở rộng

Những đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ Ông đồ

Bài làm:
Bài thơ Ông đồ thể hiện sâu sắc với tình cảnh đáng thương của ông đồ và niềm thương cảm, nuối tiếc của tác giả với nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bài thơ không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn có nhiều giá trị nghệ thuật nổi bật:

Bài thơ sử dụng thể thơ 5 chữ, kết hợp với ngôn ngữ bình dị và súc tích. Giọng thơ trầm lắng, ngậm ngùi đã toát lên những tâm tư, tình cảm của tác giả trước tình cảnh đáng thương của tác giả trước sự tàn lụi của lớp người từng được đề cao và trân trọng như ông đồ.
Bài thơ có kết cấu độc đáo, đầu cưới tương ứng. Mở đầu bài thơ là “Mỗi năm hoa đào nở – Lại thấy ông đồ già”, kết thúc bài thơ là Năm nay hoa đào lại nở – Không thấy ông đồ xưa. Kết cấu này chặt chẽ, tương phản rõ nét, làm nổi bật chủ đề của bài thơ, từ đó khơi gợi cảm xúc trong lòng người đọc về một văn hóa truyền thống giờ đây đã bị thay đổi. Quá trình tàn tạ, suy sụp của nền nho học.
Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa với sự chọn lọc hình ảnh để làm nổi bật tâm tư, cảm xúc của mình: giấy đỏ, mực nghiên – vốn là những đồ dùng gắn bó thân thiết với ông đồ, mà nay cũng “buồn”, “sầu” trước sự đổi thay của thời thế.
Lựa chọn hình ảnh giản dị nhưng mang tính biểu tượng, giàu sức gợi: hình ảnh lá vàng rơi trên giấy gợi ra sự tàn tạ, tiêu điều, buồn tủi. Đó là sự cảm nhận từ trong tâm hồn về sự lãng quên, sự kết thúc của một kiếp người tàn.
Có thể nói, tác giả Vũ Đình Liên đã rất khéo léo lựa chọn những hình ảnh, ngôn ngữ, nghệ thuật thể hiện để làm nổi bật những tâm tư và suy ngẫm của mình qua tứ thơ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hi vọng bài viết trên giúp các bạn chuẩn bị tốt kiến thức về tác phẩm trước khi đến lớp. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài soạn văn cũng như phân tích, phát biểu cảm nghĩ trên Blogthoca.edu.vn.vn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *